Vào năm 1960, một cuộc bách hại đạo Công
Giáo bùng lên tại nước Su-đăng thuộc Phi Châu. Một sinh viên Công giáo da đen
tên là Ta-ban đã bỏ nhà chạy sang nước láng giềng U-gan-đa lánh nạn. Trong thời
gian ở đây, Ta-ban đã được nhận vào chủng viện và 7 năm sau, anh được thụ phong
Linh Mục. Khi tình hình ở Su Đăng lắng dịu, tân linh mục Ta-ban quyết định trở
lại quê nhà để thi hành sứ mệnh linh mục của mình. Cha được Bề trên bổ nhiệm
coi sóc một giáo xứ vùng Pa-lo-ta-ka. Tuy nhiên, giáo dân ở đây lại hoài nghi
về chức linh mục của cha như chính ngài đã thuật lại sự kiện ấy như sau : “Dân
chúng ngờ vực nhìn tôi và nói : “Này anh bạn da đen kia ! Anh nói cái gì vậy ?
Anh mà là Linh mục ư ? Thật là khó tin !”.
Thực ra trước đây, tại Su Đăng chưa bao giờ
xuất hiện một Linh mục nào người da đen cả. Giáo xứ luôn được các Linh mục thừa
sai da trắng đến chăm sóc và chia sẻ nhiều thực phẩm, quần áo và thuốc men. Còn
bây giờ cha Ta-ban lại là một người da đen nghèo khó giống như họ, nên chẳng có
gì để phân phát như các linh mục da trắng kia. Tình hình lại càng phức tạp
thêm, khi cha Ta-ban bắt đầu canh tân phụng vụ Thánh lễ theo đường hướng Công
đồng Va-ti-can II. Giáo dân đã xầm xì với nhau : “Ông linh mục da đen này còn
bày đặt làm lễ bằng tiếng bản xứ thay vì bằng tiếng La tinh. Chắc ông ta không
rành tiếng La tinh nên mới làm như vậy ! Không biết ông ta là Linh mục thật hay
giả ?”. Phải mất 10 năm, sau bao nhiêu vất vả để phục vụ giáo xứ, chịu đựng bao
nhiêu sự miệt thị khinh dể, cuối cùng cha Ta-ban mới được giáo dân thừa nhận là
Cha Sở của họ.
SUY NIỆM :
-Câu
chuyện về Linh mục Ta-ban giúp
chúng ta hiểu lý do tại sao Đức Giê-su bị dân làng Na-da-rét không tin Người là
Đấng Thiên Sai, dù thán phục tài giảng đạo và quyền năng chữa bệnh của Người.
Là do họ vấp phạm là vì gia thế hèn kém của Người. Họ nói : “Bởi đâu ông ta
được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? (x Mc 6,2-3).
Thời Giáo hội sơ khai, cũng có một nhân vật tên là Xen-xút (Celsus) luôn thù
ghét Ki-tô giáo và nhiều lần chế diễu các Ki-tô hữu như sau : “Giê-su Đấng sáng
lập của các người chỉ là một gã thợ mộc dốt nát bần hàn, xuất thân từ làng
Na-da-rét tầm thường ! Thật khó mà chấp nhận được một Đấng Cứu Thế lại xuất
thân từ một xưởng gỗ nhỏ bẻ, phải vất vả kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động
hằng ngày như thế !”
-Đức
Giê-su phán : “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được
như chủ đã là khá lắm rồi !”. Ngày
nay chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi bị người đời chống đối do chúng ta không
chấp nhận phá thai, ly dị, hay khi ta chống lại những bất công mà các phụ nữ và
trẻ em đang phải chịu đựng. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi có những Ki-tô
hữu phản đối chúng ta vì chúng ta khác họ về chủng tộc, tiếng nói, quốc gia hay
về tình trạng kinh tế. Cuối cùng, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên nếu đôi khi ta
bị những người thân ruột thịt chống lại ta, vì chúng ta đã tin Đức Giê-su, như
Người đã báo trước : “Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai và con trai
chống lại cha, Mẹ chống lại con gái và con gái chống lại mẹ ; Mẹ chồng chống
lại nàng dâu và nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,53). Trong mọi trường hợp,
chúng ta cần vững lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Người sẽ không để chúng ta phải
chịu đựng quá sức chúng ta.
NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Là nhà giảng
thuyết tài năng, thế mà Chúa cũng đành chấp nhận thất bại trước sự cứng tin của
người đồng hương và bà con họ hàng. Nhiều lần chúng con cũng đành phải thất bại
khi bị người lương từ chối nói chuyện về Chúa và có khi họ còn thốt ra những
lời xúc phạm đến Chúa và Hội Thánh… Xin ban cho chúng con ơn kiên nhẫn chịu
đựng những khó khăn gặp phải trên bước đường sống và rao giảng Tin Mừng. Cho
chúng con biết tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi thành công được người lắng nghe
cũng như lúc bị từ chối xua đuổi. Xin cho chúng con biết không ngừng tạ ơn vì
biết rằng : Thất bại là mẹ thành công, và chính Chúa xưa cũng đã từng chịu thất
bại trước sự cứng tin của người đồng hương.
X.
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét