Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để
ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các
bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu
là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là
ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và
ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con
ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị
rằng:
Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc
nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần
(Mt 10,1-7)
Bênêđictô chào đời năm 480,
tại Norcia. Sự giáo dục đạo đức trong gia đình đã sớm làm cho ngài trưởng thành
về phương diện luân lý. Dù mới chỉ là một thiếu niên 16, 17 tuổi, mà ngài đã có
những tư cách thật khôn ngoan, không ham chi những thú vui, khoái lạc, coi thường
danh vọng, của cải trần gian.
Sau
những ngày hạnh phúc sống dưới mái nhà êm ấm, ngài được gửi đi du học tại La
Mã. Ðang mải mê việc học thì Bênêđictô tìm ra ý Nhiệm Màu của Thiên Chúa. Ngài
vào hoang địa Subiacô cách La Mã 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với
Chúa.
Danh
tiếng và lòng đạo đức thánh thiện của ngài được truyền tụng khắp nơi. Không một
ai mà không biết đến tên ngài.
Gần
nơi ngài trú có một nhà dòng, vị Bề Trên vừa mới mất, nên toàn thể cộng đồng đã
đến xin thánh nhân kế vị và coi sóc. Trước lời van xin tha thiết, ngài đã bằng
lòng. Sau một thời gian, ngài lại trở về hang cũ, sống mật thiết với Chúa hơn.
Số
người đến xin làm môn đệ ngài càng ngày càng đông. Ngài phải lập ra nhiều nhà
cho họ trú. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, ngài ra sức giảng thuyết cho dân chúng
xa rời các ngẫu tượng trở về với Thiên Chúa. Kèm theo lời giảng, Chúa đã dùng
tay ngài thực hiện những phép lạ cả thể, chữa bệnh tật cho kẻ chết sống lại.
Chúa cũng ban cho thánh nhân ánh sáng để thấu rõ lòng người, biết trước công việc
xảy ra. Cuộc sống của ngài đã chứng minh lòng tin cậy nơi Chúa rất sâu xa, và
nhân đức khó nghèo trọn hảo.
Vì
tuổi già sức yếu do thời gian chay tịnh, hy sinh hãm mình, ngià đã mong ước về
cùng Chúa sau những ngày dọn mình sốt sắng. Nhiều phép lạ xuất hiện sau cái
chết của ngài, làm cho danh thơm và sự nghiệp của ngài loan truyền, tồn tại mãi
mãi. Chính sự phát triển mau lẹ của nhà dòng ở khắp năm châu đã nói lên được
điều đó.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay mời gọi
chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô,
Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu
rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng.
Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành
cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của
Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính
là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa
Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy
hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ.
Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính
mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng
Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên
nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà
các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là
Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông
trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên
ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo
Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo
huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân
chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự,
thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp
bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành,
phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn
đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân
chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành
một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào
bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải
tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại
cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã
ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một
thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân
phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện
xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và
tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa
gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt
làm thủ lãnh Giáo Hội.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét