Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Hối cải và đổi mới

"Con Người đến để tìm và cúu những gì đã mất".  Luca 19.10)
  Bài tin mừng hôm nay nhắc chúng ta:
       - Ân huệ của Thiên Chúa không phân biệt ai cả. Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, nhưng với điều kiện cần thiết là chúng ta phải có lòng thống hối và quyết tâm cải thiện đời sống.
       - Đối với mọi người, nhất là những người lầm lỡ, tội lỗi, chúng ta không được khinh thường họ, dồn họ vào chân tường. trái lại, chúng ta cần có thái độ cởi mở, thông cảm, yêu thương.

         Kẻ có tội là kẻ đã đánh mất tình thương, chúng ta hãy đem lại cho họ tình thương, một tình thương chân thành và cảm thông, chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ cảm hóa được họ.
                Trích chia sẻ tin mừng chúa nhật năm C của Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng OP
       
           Xin Chúa mở rộng tâm hồn con,cho con có tinh thần vị tha, quảng đại, cẩn thận  mỗi khi xét đoán người khác.




.

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Ngày đầu viết Blog mới

Hôm nay tôi chính thức sử dụng blog này để trao đổi thông tin với mọi người.

Suy gẫm

Chỉ cần 3 phút đọc và cả cuộc đời phải suy ngẫm….

  
  
Ăn rau không chú ơi?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy. 
- Ăn hộ tôi mớ rau…!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm. Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” – cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.
- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…
-Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ.
Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ.
Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế.
Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện.
Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
- Bà bán rau chết rồi.
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.
- Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.
Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi.
Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ…!

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Niềm tin

Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
                                                            Trích thư Ê-phê-xô  4,2
  "Sao các ngươi không tự mình xét xem cái gì là phải".      Luca  12,57
 
          Ngày hôm qua, khi dự họp BCH - GĐPTTT - GP, đại diện một số BCH Hạt đã nêu lên những công việc mình đã làm được, một trong những khó khăn đang gặp phải là do cha linh hướng. Đặc biệt là sự không thống nhất được quan điểm giữa cha tổng linh hướng với BCH Giáo phận. Thực tế chúng ta đã làm như Chúa đã nói: "Sao các ngươi không tự mình xét xem cái gì là phải"
            
         Cha Giuse Nguyễn quốc Thắng, chánh xứ Bình Đông, linh hướng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Hạt Bình An chia sẻ trong hội nghị.
                Sau khi nghe đại diện các hạt Bính An, Chí Hòa, Tân sơn nhì, Thủ đức, Thủ thiêm, Xóm chiếu và anh Lý, anh Song báo cáo tình hình sinh hoạt và những khó khăn trong hoạt động. Cha đã tóm tắt lại như sau:
                      - Thực tế đi sinh hoạt khoảng 20 – 30 – 50 .
                      - Sinh hoạt chính yếu khác như tham gia về kinh sách, viếng đàng Thánh Giá, Chầu Thánh Thể v.v…những cái đó hơi khó kiểm soát.
                      - Đặc biệt là chất lượng chúng ta nhận Chúa làm Vua: Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm là có lối sống đáng cho người khác phải học hỏi. Như vậy, chất lượng của chúng ta vô Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm đã đạt chưa, thì cũng không giám chắc đã đạt được chất lượng tốt.
                      - Về phát triển, chúng ta thấy hầu hết các thành viên trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm nay già yếu, chúng ta lúng túng trong việc thu nhập thêm những người trẻ, những người đang làm việc nhiều khi cũng cảm thấy đã đến lúc mình nghỉ, nhưng kiếm người kế thừa không nổi. Thế là, chúng ta bắt đầu trước những khó khăn, phát triển khó khăn, làm sao cho hội đoàn đi lên, làm sao cho có tình đoàn kết. Chúng ta loai hoay giải quyết: Nào là cha con gặp nhau, nào là không đi họp thì mời, đổi giờ… cách này, cách khác mà hình như chúng ta thấy không kết quả. Có lẽ chúng ta chữa ngọn, mà không chữa gốc. Chúng ta chỉ giải quyết cái ngọn là không hết, phải giải quyết chính cái gốc.
                Cái gốc là làm gì? thưa là đổi chủ, chúng ta đang làm cái công việc làm chủ, thì đổi Chúa lên làm chủ. Tôn Vương Chúa là thế, đặt Chúa lên vị trí tốt nhất  để Chúa làm chủ cuộc đời mình, để Chúa làm chủ Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, để Chúa làm chủ đúng nghĩa thì những vấn đề khó khăn sẽ giải quyết được. Chúng ta đọc thánh kinh, thấy từ đầu sau khi lụt đại hồng thủy. Con người hợp sức lại, họ nói hãy xây cho mình một ngọn tháp, một thành phố có đỉnh cao chọc trời, ta phải làm cho danh ta lẫy lừng để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất . Thế là, khi họ cố làm nổi bật họ lên, ai cũng muốn nổi và tự động xung đột xảy ra. Đến khi Chúa Thánh Thần đến, các tông đồ cùng nhau ca tụng Chúa, đưa Chúa lên, tự động nó hiệp nhất lại.
               Cho nên, vấn đề của giáo phận mình, trước hết là chưa đồng thuận. Mình cần phải đặt vấn đề động lực và mọi cái quy hướng phải là đưa Chúa lên, để cho Chúa điều khiển (Dĩ nhiên đó là về mặt trí thức). Còn về đường lối cụ thể, tôi thấy (đây là tôi góp ý, khi thấy được thì có thể ghi nhận) trong mục vụ tổ chức: thì có các giới gia trưởng, bà mẹ. giới trẻ,  thiếu nhi … từ giáo xứ lên giáo hạt và lên giáo phận cũng phải theo cái hệ đó . Tất cả những người nam có gia đình là người công giáo đương nhiên là giới gia trưởng, còn những người nữ có gia đình mà là người công giáo đương nhiên là giới các bà mẹ, đó là tự động, không cần phải kết nạp, có điều người ta sinh hoạt hay không là một vấn đề. Còn Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm là đoàn thể. Thế nhưng, thực tế của Giáo Hội là mình lập ngược, đoàn thể trước, giới làm sau. Chính vì vậy, người ta có khuynh hướng: tôi vô đoàn thể, thì tôi không cần phải sinh hoạt giới. Cuối cùng đoàn thể xuất hiện trở thành mối nguy cho giới, anh cạnh tranh giới, anh giành giới gia trưởng của tôi, anh giành giới bà mẹ của tôi, và nó xảy ra xung đột. Lẽ ra, tất cả chúng ta là Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, chúng ta phải ủng hộ và cổ võ cho hoạt động giới. Đã là nam trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thì phải là giới gia trưởng , nữ ở Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thì phải là các bà mẹ. Như vậy, chẳng cha nào cảm thấy lo lắng, sự hiện diện của chúng ta không làm người ta mất đi những gì người ta dự định làm. Mà trái lại, người ta càng thấy mình như một người lo cho tất cả các cha xứ. chúng ta không khéo, chúng ta không phải là một đối tượng mà là hai, THÁNH TÂM và gia trưởng, cuối cùng các cha xứ phải lo thôi, Trong khi mình muốn huấn luyện riêng các gia trưởng, muốn huấn luyện riêng các bà mẹ. Cho nên, chúng ta thấy tại sao cha Võ văn Ánh, Ngài rất quý các bà mẹ chứ không phải nghe nói Ngài không muốn tuyển nữ, kỳ thị nữ. Nhưng Ngài cảm thấy sợ Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm giành mất các bà mẹ, tưởng là mất đi, nhưng thực sự không, bà mẹ vẫn còn đó. Cho nên, tôi thấy cái hướng của Ngài đưa ra là hợp lý. Ngài coi hai giới gia trưởng và các bà mẹ. Nhưng Ngài không bao giờ cảm thấy an tâm khi thấy chúng ta không hỗ trợ, Khi thấy chúng ta vô Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm hết . Chúng ta phải làm cho bằng được, ai là Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thì phải là gia trưởng. Có cái nền, có cái giới, đó là tự động tính, cuối cùng Ngài còn mừng nữa. Chúng con là Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, chúng con  còn giúp cho cha phát triển các bà mẹ, chúng con giúp cho cha phát triển gia trưởng. Cha phải thấy được sự tích cực của Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm giúp Ngài để làm tròn linh hướng cho gia trưởng, linh hướng cho các bà mẹ, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm không hề làm mất đi nhân sự của bà mẹ, không làm mất đi nhân sự của  gia trưởng. Chúng ta làm được điều đó, khi chúng ta  đều quy hướng về làm vinh danh Chúa. Để Chúa làm chủ gia đình, Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận v.v…. Tôi thấy thế này, nếu mình giao cho Chúa thực sự , thì chính Chúa quy tụ, khi đặt Chúa ở vị trí cao nhất thì người ta cứ Lời Chúa người ta sống “Anh em đừng bỏ những buổi họp như nhiều người quen làm”.
              Đưa Chúa lên bằng cách nào? Bằng cách Tôn vương, siêng năng dự lễ … chúng ta tưởng chừng  như đó đã làm xong việc Tôn vương Chúa. Thế chưa đủ, Tôn Chúa là lật đổ chính mình, để Chúa lên cái vị trí tốt nhất, từ nay buông tay lái để cho Chúa làm . Trong đời của tôi, tôi cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, con đón nhận Chúa , làm Chúa , làm vua, làm chủ đời con , Chúa điều khiển con, con theo điều khiển” Thì tự đâu, tôi thấy bao nhiêu những tính xấu của tôi từ bao chục năm, tôi không thắng được, bây giờ tôi thấy thắng được. Tức là, Chúa chiến đấu trong mình.
              Khi mà trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, một khi tôn Chúa lên, thấy ông này đổi đời, bao nhiêu những tính hư, nết xấu, những nóng nảy, khó chịu,  những kiêu căng, những ham mê, ông thắng được. Rồi lan ra, không phải trong ban điều hành, mà tất cả những ai vô Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm là đổi đời , tác động đến cả nhà ông đổi đời. Nhà này đổi đời, nó  tác động lôi kéo nhà kia đổi đời. Thấy rỏ ràng, Chúa giải thoát khỏi tất cả những đam mê, những tính hư, những này kia thì tự động mình sẽ mạnh lên . Khi mình mạnh lên thì tự động mình sẽ phát triển, bởi vì những người khác cũng muốn gia nhập để gia đình mình cũng được ấm êm như vậy. Cuối cùng, vẫn phải trở về với nguồn cội của cha Matêô: Muốn tôn vương THÁNH TÂM Chúa, đặt Chúa lên vị trí cao nhất trong gia đình là một cuộc lật đổ ngẫu tượng , lật đổ chính mình, lật đổ nhưng đam mê, những tính hư, những tiền bạc, danh vọng … mà đưa Chúa lên. Khi chúng ta làm được những việc này, tự nó sẽ phát triển .
            Chúng ta phải làm được cái gốc, chúng ta mới có thể một  mặt tạo được sự đoàn kết, một mặt cũng cố được chúng ta nên vững mạnh, một  mặt chúng ta làm phát triển của đoàn chúng ta , để rồi chúng ta làm sáng danh Chúa.
            Về cơ cấu tổ chức, tôi thấy quý vị thuận theo Ngài, đó là để xuất cho cha nào đó làm Tổng linh hướng lo cho Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm. Mặt khác, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm luôn luôn chứng minh cho cha Tổng linh hướng Võ văn Ánh thấy: chúng con sẽ giúp cho Cha lập được gia trưởng. Trước mắt, chúng con phải là gia trưởng, các bà mẹ trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm phải là bà mẹ. Như thế, chúng ta thấy Ngài an tâm rồi. Nắm một lực lượng, bên này gia trưởng, bên kia là các bà mẹ. Còn nội quy của đoàn thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm đã tạo dựng, không cần sửa chữa gì cả, cứ vậy mà hoạt động. Nó thoát ra như vậy, thì nó sẽ ổn thôi.
       Xin Chúa giúp chúng con biết suy nghĩ và hoán cải để canh tân đời sống chúng con.

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Cho nhiều, lấy nhiều

       "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn".
                                              (Luca 12,47-48)

      Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi người trong gia đình chúng con trở thành những quản lý trung tín và khôn ngoan, để khi Chúa tính sổ, chúng con đã sinh lời cho Chúa và được Chúa mời gọi vào Nước Trời.

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Mẹ chồng

 Tin mừng theo thánh Luca.         (12,51-53)

           "Anh em tưởng rằng Thày đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thày bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".
          
                   Mẹ đã cho tôi thấy không có rào cản nào giữa mẹ chồng và con dâu nếu lấy tình thương đối đãi với nhau.
 
               Mẹ tôi cầm tinh con cọp. Ba vẫn thường hay đùa tuổi này rất dữ dằn, chỉ toàn ăn hiếp người khác thôi, mà điển hình là ba đây, chắc không có đứa con gái nào dám làm dâu đâu. Mẹ nghe chỉ cười trừ nhưng ánh mắt thoáng buồn. Không trách ba được vì quan niệm xưa nay vốn thế, đã quen gán ghép tuổi con này con kia vào thân phận phụ nữ (con trai cầm tinh con cọp có ai nói gì đâu!).

            Anh hai có nhiều bạn gái. Cũng phải thôi, anh phong độ, đẹp trai lại ăn nói có duyên, con gái nào chẳng mê. Anh dẫn chị nào về cũng được mẹ trò chuyện, hỏi han thân tình, gần gũi. Có chị còn đang đi học, mẹ khuyên nên cố gắng chú tâm vào học, đừng để chuyện khác làm ảnh hưởng đến việc học. Có chị thì đang phụ bán quán cà phê (chả là anh hai hay uống cà phê), mẹ khuyên nên kiếm một nghề ổn định trong tay, chứ phụ bán kia chỉ là công việc tạm thời, mình phải lo cho tương lai lâu dài về sau. Có những chị đang đi làm ổn định thì mẹ khuyên nên quan tâm đến việc nữ công gia chánh, vì mẹ biết mấy đứa có ăn có học thì rất dở cái khoản bếp núc (nói xong mẹ nhìn sang tôi cười mỉm, chắc là để ám chỉ cả tôi nữa). 

           Thế rồi anh hai cũng lấy được vợ (hay là mẹ tôi đã chọn được vợ cho anh?). Chị dâu là giáo viên mầm non, dạy ở một trường tư thục. Mẹ bảo dạy học là nghề cao quý nhất, mẹ rất quý trọng nghề này, mà dạy mầm non là cực nhất (có lẽ mẹ chấm chị dâu ở điểm này) nên mẹ thương chị lắm. Những ngày chuẩn bị đám cưới, nhìn mẹ lo toan đến hốc hác cả người. Mẹ chỉ cười, nụ cười mãn nguyện: “Cưới con dâu sâu con mắt. Mình tổ chức đám cưới trang trọng cho con gái người ta nở mày nở mặt, dẫu sao đời người chỉ có một lần. Mà có như vậy, con dâu mới thấy được tình cảm nhà chồng dành cho mình”. 

               Tôi thương mẹ quá, ước gì mai này tôi đi lấy chồng có được mẹ chồng tâm lý và chu đáo như vậy. Chị dâu về ở, bữa cơm gia đình thay đổi liền. Chị không ăn được cá, thịt bò, mà đây là những món khoái khẩu của gia đình tôi. Mẹ làm cơm cũng theo khẩu vị của chị, xuất hiện thường xuyên món gà, thịt heo. Nhiều lúc tôi thèm món canh chua cá lóc, cá rô kho tộ cũng phải nín thèm đợi đến cuối tuần mới được ăn (do chị dâu về thăm nhà mẹ ruột). 

           Mẹ như hiểu được sự “ganh tỵ” của tôi nên thường bảo: “Ưu tiên cho chị hai đi con, chị đi dạy cực nhọc mà ăn cơm chỉ có bữa chiều, nấu theo khẩu vị của chị để bữa ăn gia đình thêm ấm cúng”. Rồi chị mang bầu, mẹ càng lo cho chị hơn: “Đi dạy xa, xe cộ đông đúc, nhớ cẩn thận nghe con”. Đến ngày chị sanh, mẹ tất tả ngược xuôi lo... nhờ bác sĩ quen. 

           Mẹ lo chu đáo như vậy mà đến khi chị sanh cũng gặp trục trặc. Chị phải sanh mổ. Mẹ đứng ngồi không yên. Chỉ đến khi thấy cô y tá đẩy băng ca ra, mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn chị nằm bất động, mẹ không khỏi xót xa. Cùng là phận đàn bà như nhau nên mẹ hiểu nỗi đau vượt cạn. Chính tay mẹ lau chùi, rửa ráy cho chị. Mẹ bảo công việc này để hộ lý làm cũng được, nhưng người ta không xót mình đâu. Không biết lúc đó chị dâu tôi có cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ hay không, nhưng riêng tôi thì nghe sống mũi mình cay cay, mắt mình muốn ngân ngấn.

         Mấy ngày trong bệnh viện là mấy đêm mẹ tôi thức suốt. Trong phòng bệnh ai cũng tưởng mẹ tôi là mẹ ruột của chị vì không thể ngờ có mẹ chồng lại quá chu đáo với con dâu như vậy.
Ngày chị ra viện cũng là ngày mẹ tôi ngã bệnh. Sức khỏe mẹ vốn yếu lại ròng rã lo cho chị mấy ngày liền. Bệnh vậy nhưng ngày nào mẹ cũng nhắc tôi nhớ mua món này, nấu món kia cho chị, dặn dò nêm nếm cho vừa miệng, bà đẻ cần ăn nhiều cho có sức. Khi đem cơm vào cho chị, chị nghẹn ngào thủ thỉ cùng tôi: “Chị biết ơn má lắm, má có công tái sinh chị. Nếu không có má chắc chị chết rồi. Bằng kinh nghiệm của mình, má nghi chị bị nhau choàng nhưng bác sĩ không chịu. Thấy chị đuối dần má làm dữ, đòi mổ. Nhờ vậy mới được mẹ tròn con vuông. Mấy ngày nay má lo cho chị giờ lại bệnh, chị không chăm sóc được...”. Từ phòng bên, mẹ tôi la: “Con hai mới đẻ không được nói nhiều”...

           Quan hệ mẹ chồng con dâu không phải lúc nào cũng là xung đột, mâu thuẫn. Cùng là thân phận phụ nữ với nhau nên càng dễ cảm thông và hiểu nhau. Mẹ đã cho tôi thấy không có rào cản nào giữa mẹ chồng và con dâu nếu lấy tình thương đối đãi với nhau.
                                                                                     Nam Phương(Tây Ninh)
                                                                                   Báo Thanh niên  19/10/2010 17:29  


          Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong muốn gia đình chúng con trở thành chứng nhân cho ánh sáng đức tin và tình yêu. Xin giúp ngọn lửa yêu mến của Chúa luôn cháy sáng trong gia đình chúng con.
          Xin ban cho chúng con, là những người cha, người mẹ biết thương yêu con cháu và những người xung quanh, sống xứng đáng là môn đệ của Chúa.

Nô lệ của Thiên Chúa

Trích thư Rôma  (6,23)

Giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa.
Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

Xin Chúa cho chúng con không còn làm nô lệ cho tội lỗi, mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa.