Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Hinh Đức Mẹ












Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục

  Thánh Vinh-sơn Phaolô, sinh tại Pouy miền Aquitaine nước Pháp khoảng năm 1581. Ngài lãnh sứ vụ linh mục năm 1600. Ngài là một con người vị tha, bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo hèn, đau khổ, lao động vất vả, đặc biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ. Chính vì thế, thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.  Thánh Vinh-sơn Phaolô lúc nào cũng tận tụy với công việc. Dù Ngài cao tuổi, nhưng luôn rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin vui của Chúa không mệt mỏi, không chán nản. Ngài luôn hoàn thành sứ mạng của vị mục tử, luôn chu toàn trách vụ của đời linh mục. Ngài luôn tâm niệm lời Chúa:" .đến để phục vụ, đến để tìm kiếm và đến để qui tụ ". Ngài qua đời vào năm 1660. Chúa thưởng công cho Ngài bằng muôn vàn phép lạ sau khi an nghỉ. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh .Với các việc làm mang tính xã hội tuyệt vời của Ngài lúc còn sống, Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn Ngài làm bổn mạng các hội từ thiện công giáo.
Lạy thánh Vinh-sơn Phaolô- linh mục, xin cầu bầu cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con biết bắt chước Ngài, mà sống yêu thương, bác ái đối với mọi người.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Sám hối


Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người con thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp:      “Thưa Ngài, con đây!” Nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”  (Mt 21, 31-32)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, tự vấn lại lương tâm, tự nhận xét: Chúng ta thuộc hạng người nào? Tôi có cảm tưởng, mình ở cả hai hạng người đó. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mình đã thuộc về Chúa, đã giữ luật Chúa. Tuy nhiên, đã nhiều lần mình đã không giữ điều đạo Chúa truyền dậy: Sống bê tha rượu chè, cờ bạc, ham hố tiền bạc bất chính, đam mê nhục dục bất chính, vẫn còn những hiềm khích, nói xấu những người mình không ưa ….
Là con người ai cũng có lúc sai lầm. Việc sám hối là cần thiết vì nó là khởi điểm của việc con người trở về với Thiên Chúa, trở về với đường lối của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Chúa cần chúng ta phải biết sám hối mỗi khi lỗi lầm.
Lạy Chúa, xin giục lòng chúng con luôn sám hối và từ bỏ những tội lỗi của mình. Xin Chúa thứ tha những lầm lỗi chúng con đã trót phạm. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Anh em chớ mừng

“Tuy nhiên, anh em chớ mừng, vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”  (Lc 10,20-21)

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nghe Lời Chúa

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”  (Lc 10,16)

Tại Sao Giáo Hội Công Giáo Không Truyền Chức Linh Mục Cho Phụ Nữ ?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Từ bao lâu nay, các giáo phái ngoài Công Giáo, đặc biệt là anh em Tin Lành, đều dùng Kinh Thánh (Sola Scriptura) làm nền tảng để chỉ trích Giáo Hội Công Giáo là không theo sát Kinh Thánh, nên đã sai lầm trong nhiều lãnh vực, điển hình là gọi Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha (Holy Father) cũng như gọi các linh mục là Cha (Father). Họ cũng cãi rằng trong Kinh Thánh không có từ ngữ nào là "Công giáo" (Catholic), cũng như không có bằng chứng nào cho phép tuyên bố Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và lên trời cả hồn xác (assumption) như Giáo Hội Công Giáo tuyên bố bằng tín điêu (dogma) buộc mọi tín hữu phải tin. Đặc biệt một số giáo phái như Methodist, Lutheran, Evangelist, Episcopal, Anh Giáo (Anglican Communion) v.v. còn truyền chức cho cả nữ giới làm linh mục nữa !
Sự kiện này cho thấy là chính họ đã không theo sát Kinh Thánh như họ thường tự hào. Vì nếu họ đọc kỹ Kinh Thánh Tân Ước, thì họ không thể chối cãi được sự kiện hiển nhiên sau đây:
“Chúa Giêsu chỉ ăn Bữa sau hết với Nhóm 12 mà thôi.” (Mt 26:20; Mc 14:17).
Nghĩa là với 12 Tông Đồ là những người đàn ông mà Chúa đã chọn từ đầu để tham gia vào Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa. Không phải Chúa không nhìn thấy trước đòi hỏi của thời đại ngày này về việc cho nữ giới làm linh mục. Thực ra, chúng ta phải tin rằng Chúa không hề sai lầm, hay sơ sót khi chỉ quy tụ Nhóm 12 trong Bữa Ăn cuối cùng đó. Sự kiện Mẹ Maria và một vài phự nữ vẫn đi theo hầu Chúa đã vắng mặt trong bữa ăn trên không phải là việc ngẫu nhiên ngoài ý muốn của Chúa. Chính Người đã cố ý không mời họ mà chỉ muốn quy tụ riêng Nhóm 12 trong bữa ăn này để họ được tham dự trước tiên vào hai việc trọng đại Chúa làm trong bữa ăn cuối cùng này: đó là việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể, để "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:20). Đồng thời, Người cũng lập Chức Linh Mục Thừa tác (Ministerial priesthood)) qua đó Chúa đã truyền chức linh mục đầu tiên cho 12 Tông Đồ hiện diện để từ đó về sau "anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22: 19; 1Cor 11:25)
Như thế, rõ ràng Chúa Giêsu chỉ chọn người nam (đàn ông) để truyền chức linh mục, chứ không hề chọn phụ nữ nào kể cả Mẹ Maria, Mẹ Người, là Đấng "đầy ơn phúc hơn mọi người" (Kinh Kính Mừng).
Ai dám nói là Chúa Giêsu đã coi thường Mẹ của Người, hay sơ sót không mời Đức Mẹ hay một vài phụ nữ khác vào tham dự bữa ăn lịch sử nói trên ?
Một chi tiết không kém quan trọng khác nữa là việc Chúa Giêsu cũng chỉ rửa chân cho 12 Tồng Đồ hiện diện mà thôi (xem Ga 13:3-5). Vì thế cho đến nay, mỗi khi cử hành Phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Rôma, các Đức Thánh Cha chỉ rửa chân cho 12 người đàn ông được tuyển chọn mà thôi. Nghĩa là chưa có Giáo Hoàng nào chọn phụ nữ để rửa chân trong dịp này bao giờ.
Như vậy, ở đâu chọn thêm phụ nữ hoặc cho mọi người trong nhà thờ rửa chân cho nhau là đã tự ý "phăng" ra ngoài truyền thống của Giáo Hội dựa trên bằng chứng Kinh Thánh Tân Ước mà Tòa Thánh Rôma luôn thi hành trung thực từ xưa đến nay.
Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orhodox Churhes) đã căn cứ vào chính lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn sau hết để từ chối việc truyền chức linh mục cho nữ giới hầu được trung thành và trung thực với ý muốn của Đấng đã chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của minh, đầu tiên cho các nam Tông Đồ và những người kế vị.
Cũng vì trung thành với ý muốn của Chúa Giêsu về việc chỉ truyền chức linh mục cho nam giới, nên khi chọn người thay thế Giuđa cho đủ con số 12, các Tông Đồ cũng đã rút thăm để chọn ông Mathia, chứ không chọn một phụ nữ nào cả (Cv 1:23-26).
Lại nữa, sau khi Chúa Giêsu về Trời, khi hiện ra với Saolê trên đường đi Đamát, Chúa đã đích thân chọn thêm Saolê, tức Phaolô, là Tông Đồ cho dân ngoại và cũng là một đại Tông Đồ đã có công lớn trong việc xây dựng Giáo Hội sơ khai cùng thời với Nhóm 12, mặc dù ngài không thuộc nhóm này từ đầu.
Chính ngài cũng đã đặt tay để truyền chức cho Timôthê, một môn đệ thân tín, như ta đọc thấy trong thư mục vụ sau đây:
 "Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh" (2Tm 1: 6)
Và công tác với Phaolô trong hành trình truyền giáo lúc ban đầu cũng chỉ có những người thuộc nam giới như Timôthê, Luca, Mác cô, Xốt Tê Nô, Titô, Ê-páp-rô-đi-tô, Ty-khi-cô v.v...
Nhưng chắc chắn đây không phải là việc đề cao nam giới và coi thường nữ giới trong Giáo Hội
Nữ giới có vai trò riêng của họ trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.
Cụ thể, những phụ nữ như Thánh Catarina, Têrêsa Giêsu Hài Đồng, hay Mẹ Têrêxa Calcutta đâu cần phải là linh mục mà vẫn làm được bao việc vĩ đại hơn cả biết bao linh mục, hay Giám mục.
Và cao trọng hơn hết là vai trò của Đức Mẹ, một người nữ duy nhất mà Chúa Giêsu đã chọn làm Mẹ của Giáo Hội, khi Người trao Gioan cho Mẹ từ trên thánh giá (Ga 19:25-27).
Mẹ không cần phải chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã "đồng công cứu chuộc" với Chúa từ khi Mẹ "xin vâng" làm Mẹ Ngôi Hai, cho đến khi đứng dưới chân thập giá, chia sẻ những thống khổ của Chúa và chứng kiến cái chết của Người để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại. Và từ khi nhận lãnh sứ mệnh là Mẹ Giáo Hội cho đến nay, Mẹ đã đồng hành và không ngừng nâng đỡ đắc lực cho Giáo Hội được thăng tiến vượt bực để chu toàn sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng Cứu độ mà Chúa Kitô đã trao phó trước khi Chúa về Trời.
Tóm lại, Giáo Hội có lý do vững chắc để không trao chức linh mục cho nữ giới, và chắc chắn đây không phải là việc coi thường phụ nữ như những người đòi hỏi đã và đang chỉ trích Giáo Hội về vấn đề này.
Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hộ Công Giáo, chúng ta phải vâng phục và tuân thủ những gì Giáo Hội dạy bảo nhân danh Chúa, vì lời Người đã nói với các môn đệ xưa kia: "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy" (Lc 10:16).
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Huynh đoàn GD Đaminh làm Bác ái

Huynh đoàn giáo dân Đa Minh làm bác ái
Vào lúc 9 giờ, ngày 14/7/2011, một số anh chị em đại diện Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh giáo xứ Tân Thành do ông Giuse Nguyễn khắc Huy dẫn đầu, đến thăm cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn Đa Minh, thuộc Liên huynh Giáo phận Sài Gòn quản lý, tọa lạc tại Ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh, Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hằng năm, cứ vào tháng 7, Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh giáo xứ Tân Thành đến thăm và chia sẻ những khó khăn với cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn Đa Minh.
Tại đây, ông Huy trao cho Sœur Nghĩa phong bì 5.000.000 đồng, là số tiền vận động trong đoàn đóng góp giúp đỡ cơ sở.
Tại cơ sở, Sœur Nghĩa – phụ trách tiếp đón và chia sẻ những khó khăn, thuận lợi với đoàn Sœur Nghĩa giới thiệu với đoàn đôi nét về hoạt động của cơ sở:
Thành lập năm 2000, đến năm 2001 chính thức hoạt động. Dòng Đa Minh Bùi Chu ký hợp đồng phục vụ cho cơ sở đến tháng 5/2011. Do Liên huynh Giáo phận chưa tìm được người thay thế, nên các Sœur vâng lời bề trên, ở cho hết tháng 7/2011 là chấm dứt hợp đồng. Thường xuyên có 4 Sœur dòng Đa Minh Bùi Chu làm việc nuôi dưỡng các cụ.
Hiện nay có 18 cụ, người lớn tuổi nhất là cụ bà 99 tuổi. Từ tết đến nay có 3 cụ được Chúa gọi về. Sự chăm sóc các cụ già rất phức tạp, nhất là các cụ bị bệnh, lãng trí hay quên, đặc biệt khi Chúa gọi các cụ về.
Anh chị em Huynh đoàn đã đến thăm các cụ, đúng như người ta nói: Khi về già lại như những đứa trẻ, gặp các cụ đang đọc kinh trong nhà nguyện, thật là thân thương, trao cho các cụ món quà đơn sơ, nhưng các cụ rất vui tươi hớn hở, có thể vì ít có người đến thăm các cụ chăng. Có cụ do bị bệnh, nên phải ở trong phòng, khi đoàn đến các cụ thật là hạnh phúc. Có những cụ phải đi lại bằng chiếc xe lăn tay, cũng cố gắng gặp được đoàn. Tất cả chỉ là để được vui, để quên đi những ngày tháng cô đơn khi không có người thân chăm sóc.
Sau khi thăm các cụ, đoàn đã đến nhà chờ phục sinh, tại đây anh chị em đã đọc kinh cầu nguyện cho các cụ đã qua đời, xin Thiên Chúa sớm đưa các cụ về nơi vinh hiển mà Chúa đã hứa ban, đặc biệt các cụ khi còn sống đã có cuộc sống gian khổ, khó khăn.

Tạ ơn Chúa, tất cả là hồng ân, xin Chúa ban cho các cụ luôn được an vui, mạnh khỏe cả hồn lẫn xác. Xin Chúa trả công cho các Sœur, ban cho các Sœur luôn bình an, vượt qua được những khó khăn mà Chúa đang gửi đến, chỉ có các Sœur mới hy sinh chăm sóc được cho các cụ.
Chào các cụ và các Sœur, hẹn gặp lại trong một ngày gần đây.










Thêm chú thích