Lời xin vâng của Đức Mẹ được lập đi lập lại trong đời sống đức tin của chúng ta, không chỉ hôm nay mà mỗi ngày trong cả cuộc đời.
Đức Giáo Hoàng Pio IX đã chính thức công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Năm 1858, khi Đức Mẹ hiện ra với chị ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã xưng mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”
Tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người Công giáo chúng ta rất yêu mến. Bằng chứng trong Giáo phận Sài Gòn có biết bao nhiêu là nhà thờ chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng. Bản thân tôi thì thấy thế này: Khi tôi còn coi sóc một giáo xứ ở ngoại ô Sài Gòn, nhà thờ đó nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng; khi Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình sai tôi về làm việc tại nhà thờ chính tòa Sài Gòn, thì nhà thờ này cũng nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng; khi Đức Hồng Y Gioan Baotixita sai tôi đi sang Mỹ để học thêm, thì ngay trong khuôn viên của đại học Công giáo Hoa Kỳ là một ngôi nhà thờ rất lớn được gọi là Đền Thánh Quốc Gia, và Đền thánh ấy cũng nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng.
Kể như vậy để anh chị em thấy người Công giáo khắp nơi, người ta yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trước khi tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố, người Công giáo đã tin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi đọc Kinh Thánh, người ta đã khám phá ở trong Cựu ước những hình ảnh nói về Đức Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, một trong những hình ảnh đó là hình ảnh Bụi gai bốc cháy khi Chúa hiện đến với Mô-sê. Bụi gai bốc lửa cháy bừng bừng, nhưng bụi gai không bị thiêu rụi vì Thiên Chúa hiện diện ở đấy để tỏ mình cho Mô-se.
Tương tự như vậy, đã là con người sinh ra trên đời này, cũng chịu ảnh hưởng của tội tổ tông truyền, nguyên tội. Chỉ có một mình Đức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, bởi vì sứ thần nói với Đức Mẹ: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Cũng như Bụi gai bốc cháy, nhưng không bị thiêu rụi vì Thiên Chúa hiện diện, thì Đức Maria cũng là người như chúng ta, nhưng Vô Nhiễm Nguyên Tội vì Đấng Chí Thánh đang hiện diện trong Cung lòng.. Cho nên, hình ảnh Bụi gai bốc cháy mặt nào đó đã là lời tiên báo về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ Maria.
Đức cha nói tiếp: Đấng hiện diện ở Bụi gai bốc lửa đấy với ông Mô-sê, là Người nói với ông Mô-sê thế này: Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên đất Ai Cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, trái tim ta bồi hồi, thổn thức. Nay Ta xuống để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập. Cho nên đấng hiện ra với Mô-sê là Đấng Thiên Chúa giải thoát, Giải thoát con người khỏi cảnh khổ đau áp bức bóc lột. Thế còn Đấng Thiên Chúa hiện diện trong Cung lòng Đức Mẹ là ai? Sứ Thần nói với Thánh Giuse: Này Giuse, đừng ngại mà nhận bà Maria về làm vợ, vì người con bà đang mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con và ông phải đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu, sẽ giải thoát dân khỏi tội lỗi.
Cho nên, Thiên Chúa hiện ra với ông Mô-se và Thiên Chúa hiện diện trong Cung lòng Đức Maria đều là Thiên Chúa giải thoát. Nếu có sự khác biệt, thì nó ở chỗ: khi hiện ra với ông Mô-se, Thiên Chúa nói “giải thoát khỏi tay người Ai Cập” có nghĩa: giải thoát khỏi tình trạng nô lệ chính trị và bóc lột kinh tế, nó không phải là giải pháp cuối cùng. Đức Giêsu Kitô đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Tội lỗi là cội nguồn của mọi thứ bất công, áp bức, bóc lột, mọi thứ đau khổ trong cuộc đời này. Và để thực hiện, Đức Giêsu đã không đi con đường của Môsê, hiểu như là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự tài ba, nhưng Chúa Giêsu đã đi con đường của người tôi tớ, yêu thương, vâng phục Thiên Chúa cho đến chết và chết trên Thánh giá.Người Công giáo chúng ta bước vào nhà thờ bao giờ cũng nhìn lên Thánh Giá Chúa, người Công giáo chúng mỗi ngày làm dấu Thánh Giá không biết bao nhiêu lần trên chính thân xác mình. Bởi vì đó là nhắc nhớ thường xuyên ơn giải thoát sâu xa nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho ta và để đi con đường giải thoát của tình yêu phục vụ mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Cho nên, khi Đức Mẹ “Xin vâng”, có nghĩa: Đức Mẹ đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường giải thoát ấy.
Thế thì ngày hôm nay, thưa anh chị em, chúng ta cũng được mời gọi để thưa xin vâng như Đức Mẹ. Nếu Chúa nuốn giải thoát anh chị em và tôi, mà chúng ta không vâng, thì Chúa cũng thua thôi, vì Chúa tôn trọng tự do của mình. Lời xin vâng của Đức Mẹ được lập đi lập lại trong đời sống đức tin của chúng ta, không chỉ hôm nay mà mỗi ngày trong cả cuộc đời.
Xin vâng như vậy trong Kinh Thánh có nghĩa là tuyên xưng đức tin.
(Trích bài giảng Đức cha Phêrô trong ngày mừng Bổn mạng Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn 8/12/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét