Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại
cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu
con người muốn tiếp tục sống.
Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe
câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng
nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra,
họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là
được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như
không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở
thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không
còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc
một tàn lụi.
Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng,
một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi
vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới
đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp:
"Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các
con của bà cũng ra vườn để xới đất.
Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn.
Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức
giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng
người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy
vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong
tâm hồn bà.
Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của
không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những
ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao
phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc
đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong
thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng
ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống
đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những
hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.
Một người
Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan
phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng,
xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má.
Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế
má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng
nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại
bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.
Sao trên
bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách,
bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô
chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.
Đức Giê-su nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì
có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên
nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi
nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào
bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên
sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có
tai thì nghe." (Mt 13,1-9)
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết hy vọng, tâm hồn con là mảnh đất tốt để con biết nghe, tuân giữ và thực hành Lời Chúa dậy để sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong ước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét