Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực
hiện những việc Thiên Chúa muốn? "9 Đức Giê-su trả lời:
"Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."
Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để
tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có
lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không
phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các
ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống,
bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho
chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là
bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát
bao giờ!
(Ga
6,28-35)
Giữa cuộc sống
chạy theo vật chất, dường như mọi công việc, mọi nỗ lực, cố gắng
của mình đều dành cho kiếm được nhiều tiền để hưởng thụ, mà quên
nhu cầu tâm linh, hay chỉ quan tâm cho có lệ, thiếu tin vào Đức Giêsu
Kitô.
Đức Giêsu Kitô đã
hiến trọn thân mình cho chúng ta, Người còn ban chính Thịt và Máu
Người qua Bí tích Thánh Thể để làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta. Do
đó, để có cuộc sống đời đời làm gia nghiệp, chúng ta cần tin Đức
Giêsu Kitô là Đấng được Chúa Cha sai đến, cũng như thu7òng xuyên lãnh
nhận Bí tích Thánh Thể là bánh
dưỡng nuôi ta trên đường về quê trời. (Trích Học viện Đaminh)
Lạy Chúa, chúng
con tự hào vì được Chúa dựng nên và hu7óng dẫn, xin Chúa hằng rủ
thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và giữ gìn mọi loài
Chúa dựng nên cho chúng con được nhờ. Chúng
con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con,
Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn
thuở muôn đời. Amen.
BÁNH HẰNG SỐNG (CN 18 QN. B).
(Xh 16, 2-4, 12-15; Eph 4, 17, 20-24; Ga 6, 24-35)
Lịch sử ơn cứu độ là một tiến trình dài cả mấy ngàn năm liên quan đến một
dân tộc đã được chọn lựa. Dân tộc này được Thiên Chúa yêu thương và hướng dẫn
cách đặc biệt. Thiên Chúa chọn các tổ phụ là Abraham, Isaac và Giacob để rồi
sinh xôi ra một dân tộc đông đúc, gọi là dân Do-thái. Lịch sử của dân tộc này
cũng là lịch sử của ơn cứu độ. Diễn tiến cuộc sống thăng trầm của dân riêng là
một qúa trình thanh luyện, thử thách và tôi luyện ròng rã để đón nhận Đấng Cứu
Thế. Tuy được Thiên Chúa chở che và bảo vệ, dân chúng thường lại muốn vượt rào
và chạy theo cách sống của ngoại lai. Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập giao
ước với dân để giữ mối giao hảo thủy chung. Thực tế, dân chúng lại cứ chứng nào
tật đó và ngựa theo đường cũ từ bỏ đường lối Chúa chạy theo thói đời.
Gặp nạn đói kém, các con cháu của Giacob di dân đến đất Ai-cập. Dân Do-thái
sinh sống tại đất nước này khoảng 430 năm, 12 người con của ông Jacob trở thành
các ông tổ của mười hai chi tộc dân Israel. Con cái cháu chắt nhiều đời đã sinh
xôi nẩy nở trở thành một dân lớn mạnh. Khi Môisen dẫn dân ra khỏi Ai-cập: Con
cái Israel nhổ trại rời Ram-xết đi Xúc-cốt, có khoảng sáu trăm ngàn bộ hành,
chỉ kể đàn ông không kể trẻ con. Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ, mang
theo chiên cừu, bò dê, họp thành một đàn súc vật đông đảo (Xh 12, 37-38). Qua
câu truyện Xuất Hành của người Do-thái, chúng ta không thể hiểu và tưởng tượng
được việc Chúa đã làm cho dân riêng. Lữ hành trong sa mạc, cả triệu người này
lấy gì mà ăn uống, lấy gì mà mặc và rồi các sinh hoạt cá nhân, gia đình và cộng
đồng… Họ trở thành dân du mục sống 40 năm tạm cư tại nhiều nơi trước khi vào
miền Đất Hứa.
Sách Dân Số ghi nhận số người của từng chi tộc khi ra khỏi đất Ai-cập. Tại
sa mạc Sinai, theo lệnh truyền của Thiên Chúa, ông Môisen kiểm tra dân số: Tất cả con cái Israel đã được kiểm tra theo
gia tộc của họ, từ hai mươi tuổi trở lên, tất cả các chiến binh trong dân
Israel, tổng số người được kiểm tra, là 603.550 (Ds 1, 45-46). Chúng
ta thử tính trên 600 ngàn chiến binh cộng thêm các phụ nữ và con trẻ
nữa, phải có trên một triệu người vượt Ai-cập. Cuộc sống văn minh tiến bộ với
nhiều phương tiện như hiện nay, con số trên một triệu người di dân qủa là một
vấn đề lớn. Biết bao nhiêu các nhu cầu cuộc sống cần phải đáp ứng. Dân Do-thái
đã trải qua những thách đố tôi luyện rất căng thẳng. Tuy nhiên, cho dù đối diện
với muôn ngàn khó khăn, sau cùng, họ cũng đã tiến vào miền đất hứa chảy sữa và
mật.
Sách Xuất Hành ghi lại cuộc sống nay đây mai đó, dân chúng cảm thấy thiếu
thốn mọi bề, nên than khóc. Nhớ về qúa khứ ở Ai-cập ngồi bên nồi thịt và ăn no
nê, dân chúng đã bắt đầu thấy chán nản và kêu trách Môisen và Aaron về lương
thực hằng ngày. Thiên Chúa phán: "Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu
trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn
thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết
rằng Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi”.(Xh 16, 12). Qua những thăng
trầm cuộc sống, Thiên Chúa từ từ mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời. Qua bánh
Manna nuôi sống thân xác, Chúa dẫn đến của ăn nuôi dưỡng phần hồn. Tất cả những
sự cố xảy ra trong cuộc lữ hành của dân Do-thái đều mang một ý nghĩa nhiệm mầu
trong chương trình cứu độ. Từ những sự kiện Môisen lãnh nhận Thập Giới, việc
ông Môisen đập gậy vào tảng đá để nước chảy ra và việc Môisen treo con rắn đồng
lên làm dấu trong hoang địa, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, sẽ được
cứu. Thiên Chúa vừa thanh luyện tâm hồn vừa mạc khải những ý nhiệm sâu xa về
Thiên Chúa độc nhất và chương trình cứu độ.
Lịch sử cứu độ được lồng vào lịch sử của dân tộc Do-thái, dân Chúa chọn.
Dân Do-thái đã cưu mang chương trình cứu chuộc trong suốt hành trình lưu lạc
trần thế. Thiên Chúa luôn yêu thương và giữ lời giao ước với đoàn dân.
Dân chúng cũng đã vui hưởng những năm tháng an bình thịnh trị. Nhưng họ
cũng không tránh khỏi những thăng trầm, gian nan, thách đố của cuộc sống. Trải
qua lịch sử, cho dù nhiều lần dân chúng bỏ Chúa chạy theo bụt thần, Chúa vẫn
luôn chờ đợi ngày họ quay trở về. Thiên Chúa quan tâm sai các tiên tri như là
những sứ giả mở đường khai thông và bắc những nhịp cầu kết nối để giúp họ quay
đầu sám hối.
Lời mời gọi sám hối là bước đầu đi vào cuộc sống an lạc và bình an. Chúa
Giêsu khi ra rao giảng, Ngài cũng kêu gọi sám hối vì Nước Trời đã gần. Thánh
Phaolô tông đồ cũng không ngừng nhắc nhở: Vì thế, anh em phải cởi bỏ con
người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa
dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em (Eph 4, 22-23). Lời mời
gọi sám hối không phải chỉ để nghe nhưng là thực hành. Chúng ta không phải chờ
tới ngày mai hay có cơ hội thuận tiện mới sám hối quay về. Lời của Chúa có sức
mạnh tác động ngay trong hiện tại nếu chúng ta biết mở lòng đón nhận và quyết
tâm sửa đổi cách sống.
Trong bài phúc âm hôm nay, từ những của ăn phần xác hay hư nát, Chúa Giêsu
đã giới thiệu một loại bánh trường sinh. Bánh ban sự sống, đó là chính Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu đã dậy: Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương
thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là
thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng
Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận (Ga 6, 27). Chúa Giêsu là bánh từ trời
xuống ban sự sống cho thế gian. Đây là một ý tưởng ngoại thường, dân chúng không
dễ dàng chấp nhận. Sau khi nghe Chúa nói về bánh hằng sống chính là thịt và máu
của Chúa, các môn đệ cũng xì xầm nhỏ to và có nhiều môn đệ rút lui, không đi
theo Thầy nữa.
Lời của Chúa Giêsu phán hai ngàn năm trước, hôm nay vẫn mang tròn đầy ý
nghĩa. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, Chúa dùng bánh và rượu là của nuôi
thân xác biến đổi thành Thịt và Máu Thánh Chúa để nuôi linh hồn. Đây chính là
mầu nhiệm đức tin. Chúa phán: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống (Ga 6, 51). Lời truyền của Chúa Giêsu không
thay đổi vì là lời hằng sống. Giáo Hội tin và tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện
trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Thể trở nên trung tâm điểm trong đời sống của
các Kitô hữu. Đến với Thánh Thể là đến với chính Chúa Giêsu. Thực tế niềm tin
cuộc sống, nhiều người không còn tin thật Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh
hình rượu trong Bí tích Thánh Thể. Cả chúng ta, các Kitô hữu nhiều khi cũng lơ
là và không tôn kính đủ khi đến với Thánh Thể nơi Nhạ Tạm.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin để chúng con nhận diện ra Chúa đang ngự giữa
chúng con trong Bí Tích Thánh Thể. Đã nhiều lần chúng con đi qua Nhà Tạm Thánh
Thể, Chúa hiện diện đó nhưng chúng con vô tình ngoảnh mặt làm ngơ. Chúa đã dùng
Bí Tích Thánh Thể để hiện diện và trở nên thần lương nuôi dưỡng chúng con. Xin
cho chúng con biết kết hợp mật thiết với Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét