Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra
lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy
đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang,
chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa
Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo:
"Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8,18-22)
Đừng
tưởng rằng châu á chúng ta thì lạc quan hơn, có lẽ tỷ lệ người đi lễ thì còn
khá đấy, cách đây 2 tuần tôi đi họp ở Thái Lan với các chủ tịch Hội Đồng Giám mục
ở Châu Á, thì đã gióng lên tiếng nói tình trạng khá đông người Công giáo bỏ
Giáo Hội để chuyển sang các giáo hội khác, như Tin Lành …, con số đó ở châu mỹ
la tinh còn lớn hơn ở Châu Á chúng ta.
Nếu chúng ta đặt câu hỏi tại làm sao mà đời sống
đức tin lại sút giảm như thế, thì bên cạnh nhiều lý do về mặt xã hội, tâm lý,
văn hoá, tôi thấy bài Tin Mừng hôm nay đưa ra một câu trả lời, lý do chính yếu
là sự đòi hỏi của Tin Mừng, đòi hỏi của Chúa Giêsu là một đòi hỏi mang tính triệt
để mà con người ta không dễ chấp nhận, con người ta ai mà không đi tìm sự an
ninh, trong khi đó Chúa Giêsu lại nói với người ta "Con chồn có hang, chim
trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu", thế thì ai mà thèm
theo.
Xét về mặt marketing thì Chúa Giêsu rất dở, thời buổi marketing muốn ai
mua hàng, muốn ai đi theo mình người ta phải nói thật là đẹp, thật là hay, bao
bì sáng rỡ thì người ta mới mua. Đằng này có ông nào muốn người ta đi theo mình
lại bảo: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu,
điều đó chứng tỏ Người rất thẳng thắn, đòi hỏi triệt để.
Tiếp đó, các anh chị
thử đặt mình vào trong văn hoá Việt Nam, quý trọng đời sống gia đình, tôn kính
cha mẹ, lại có một người nói rằng: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất
cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết
chôn kẻ chết của họ.", thế thì Việt Nam ai muốn đi theo. Nói như thế để thấy
đòi hỏi của Chúa Giêsu là đòi hỏi mang tính triệt để.
Như thế, người muốn chuyển
giao niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và vào Tin Mừng của Ngài cho người khác, thì
phải có chứng tá bản thân về đời sống đức tin, nói cách khác phải có chứng tá bản
thân về sự từ bỏ. Thời đại chúng ta đang sống không phải chỉ đòi hỏi chứng tá về
sự từ bỏ, mà còn cả lý lẽ của lòng tin thời đại của văn hoá, khoa học, người ta
đưa ra lý lẽ để biện minh cho lối sống của người ta, người ta đưa ra lý lẽ để
phi bác Tin Mừng, để phủ nhận lời mời gọi của Phúc Âm.
Nếu mình muốn chuyển giao đức tin, nói như thánh Phaolô “Anh
em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng đang có trong
anh em, nhưng phải trả lời với sự hiền hoà và lòng kính trọng.” Chúng ta phải sẵn sàng trả
lời, phải sẵn sàng cung cấp những lý lẽ của lòng tin, của niềm hy vọng nơi chúng
ta, và chính vì thế chúng ta đi học thần học.
(Theo bài giảng của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm ngày 02/7/2012 tại TTMV TGPTPHCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét