Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Phép lạ hoá bánh ra nhiều

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."  (Ga 6,5-12)
“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi”. Dân chúng kéo đến với Đức Giêsu, một cách tự nguyện. Về phần mình, Đức Giêsu “nhìn thấy” họ. Người quan tâm đến tình cảnh của họ. Người nhìn thấu tình cảnh thật của họ. Khi đặt câu hỏi cho ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”, Đức Giêsu muốn mời gọi ông, và cùng với ông là tất cả cộng đoàn các môn đệ, đối diện với một thực tế trước mặt, thực tế của một đám đông không có khả năng giải quyết ngay cả cái nhu cầu thiết yếu nhất của mình để có thể tồn tại.
Một điều đáng ghi nhận là với câu hỏi này, Đức Giêsu đồng thời cũng đưa ra một sự phân biệt những người đang hiện diện trên núi thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm Đức Giêsu và các môn đệ của Người: “chúng ta”. Nhóm thứ hai là đám đông dân chúng còn lại: “họ”. Và điều đang được thực hiện là một cuộc đối thoại bên trong nhóm thứ nhất.
Trong câu hỏi của Đức Giêsu, mà như chính tác giả Gioan cẩn thận ghi chú là một câu hỏi để thử Philípphê và các môn đệ, ta thấy xuất hiện chủ đề tiền bạc, qua động từ “mua”. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chủ đề tiền bạc xuất hiện trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Nền phụng thờ tiền bạc đã thế chỗ nền phụng tự Thiên Chúa đích thực trong đền thờ, và Đức Giêsu đã từng phản ứng mạnh mẽ với điều đó. Tiền bạc và cùng với nó là hệ thống kinh tế bóc lột đã đè trên vai dân chúng những gánh nặng và bất công kinh khủng. Trong câu hỏi của Đức Giêsu dành cho ông Philípphê và các môn đệ, động từ “mua” giả thiết một hệ thống kinh tế trong đó một vài người nắm trong tay lương thực cần cho sự sống nhưng anh ta sẽ không cung cấp nó cho những người cần nếu họ không thỏa mãn những điều kiện của anh ta. Cái hệ thống này tạo ra sự tùy thuộc, và trong hệ thống đó sự sống sẽ không được cung cấp cho con người một cách trực tiếp, mà phải ngang qua một số cá nhân nắm quyền kiểm soát.
“Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút". Câu trả lời này cho thấy một sự bế tắc. Chỉ dựa trên những nguyên tắc và cấu trúc tổ chức xã hội hay kinh tế thuần túy, có lẽ người ta sẽ không bao giờ giải quyết thỏa đáng tình cảnh của những con người nghèo khổ. Còn cần phải có những điều gì khác nữa, vượt quá những cấu trúc kinh tế hay xã hội thuần túy. Ông Philípphê đã không hướng cái nhìn ra bên ngoài hệ thống và cấu trúc kinh tế, nên ông không còn cách nào khác ngoài lời kết luận về sự bất lực và bế tắc, dù chỉ là để thỏa mãn “một chút” những đòi hỏi thực tế.
Vừa lúc ông Philípphê đi đến chỗ bế tắc, xuất hiện một nhân vật khác trong số các đồ đệ, hướng cái nhìn của cả nhóm theo một đường chân trời khác một chút. “Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !". Ông Anrê đưa ra một quan sát và ghi nhận thực tế. Bắt đầu xuất hiện một giải pháp khác bên ngoài những quy tắc của hệ thống được xây dựng trên nền tảng lạnh lùng và thuần túy kinh tế. Hình như ông Anrê đang nghĩ đến một sự chia sẻ trong tình yêu. Nhưng lập tức, ông không tin điều đó có thể đủ sức giải quyết vấn đề vốn quá lớn.
Điều thú vị là ông Anrê nói đến “một em bé” và nói rõ “đang ở đây”. Như trên đã nói, chúng ta đang ở trong cuộc trao đổi của nhóm thứ nhất, gồm Đức Giêsu và các môn đệ, phân biệt với nhóm thứ hai là đám đông dân chúng. Vậy em bé đang ở đây là ai ? Sao lại xuất hiện em bé ở đây ? Đâu là ý nghĩa của chi tiết này ? Thực ra, hạn từ paidarion không chỉ có nghĩa là một đứa trẻ, một cậu bé, mà thường được dùng để chỉ một đầy tớ. Hình ảnh paidarion “đang ở đây”, trong nhóm thứ nhất, có ý trình bày nhóm các môn đệ này với một đặc trưng quan trọng: sẵn sàng phục vụ đám đông như những người hầu bàn. Mà quả thực, chút nữa đây, chính Đức Giêsu cũng sẽ phục vụ đám đông này như một người đầy tớ phục vụ ông chủ trong bữa ăn. Cộng đoàn của Đức Giêsu, như thế, đang hiện diện trước mặt thế gian trong tư thế của một nhóm khiêm hạ xét về phương diện xã hội, không có bất cứ tham vọng nào ngoài khát khao phục vụ nhân loại.
Nhưng nhóm nhỏ ấy, theo quan sát của Anrê, chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá. Cả bốn sách Tin Mừng đều nói đến con số 5 chiếc bánh. Có lẽ con số 5 ám chỉ 5 cuộn của sách Luật. 5 chiếc bánh lúa mạch của các môn đệ là hình ảnh của tình yêu thay thế cho 5 cuộn sách Luật, cộng thêm 2 con cá nhỏ, thành con số 7 chỉ sự tròn đầy. Nhưng như ông Anrê cay đắng ghi nhận: bấy nhiêu thì thấm vào đâu ? Giải pháp của Anrê vừa được hé lộ đã như thể lập tức trở thành bất lực vô vọng.
Nhưng thực ra không hẳn là như vậy. Bởi lẽ ngay vào lúc các môn đệ đang có vẻ bi quan, Đức Giêsu đưa ra cho họ một lệnh truyền.“Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn". Ngồi ăn là tư thế của những người tự do. Khi dân chúng ngồi mà ăn, thì tức là họ được hiện hữu trong tư thế của những con người tự do, có phẩm giá. Và các môn đệ sẽ phải hiện diện bên cạnh họ như những con người phục vụ, trong tư thế của paidarion mà ông Anrê vừa đề cập. Phục vụ đám đông, các môn đệ mang lại cho đám đông phẩm giá của những con người tự do, những ông chủ. Những con người tự do trong ân huệ Thánh Thần, đó chính là ý nghĩa ẩn dụ của chi tiết mà tất cả các sách Tin Mừng đều ghi nhận: năm ngàn người đàn ông trưởng thành.
“Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý”. Đức Giêsu cầm lấy những chiếc bánh của cộng đoàn các môn đệ. Chính cộng đoàn này phải tìm lấy giải pháp tự nơi mình, chứ không phải là tạo ra những sự tùy thuộc trước hết vào các hệ thống bóc lột. Thật ra, cái mà cộng đoàn môn đệ có thể cung cấp cho thế giới thì quá bé nhỏ. Nhưng khi nó được Đức Giêsu cầm lấy, thì tức là nó đã được đưa vào một tầm mức khác hẳn. Đồng thời, xuất hiện một yếu tố hoàn toàn mới mẻ: Đức Giêsu dâng lời tạ ơn, tức là đưa vào một thực tại mới là chính Thiên Chúa. Chỉ khi Đức Giêsu đã cầm lấy mấy chiếc bánh của cộng đoàn môn đệ và đưa vào trong tương quan với Thiên Chúa, thì đám đông dân chúng mới được ăn no nê. Hệ thống kinh tế và cùng với nó là những cấu trúc nhân loại, đã tỏ ra bất lực ( giải pháp Philípphê ). Nguyên lòng tốt của con người đối với nhau cũng không thấm vào đâu ( giải pháp Anrê ). Nhưng khi lòng tốt ấy được Đức Giêsu “cầm lấy” và đặt vào trong tay Thiên Chúa, thì mọi sự sẽ khác hẳn ( giải pháp Giêsu ).
Chính Đức Giêsu phân phát bánh và cá. Chính Người trở thành người phục vụ nhân loại. Một ghi nhận đáng chú ý của tác giả Tin Mừng: “Ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. Có hai yếu tố được nối vào với nhau ở đây: sự dẫy tràn ( bao nhiêu tùy ý ) và sự tự do ( muốn ). Thế là dân chúng được no nê. “Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !".
Trình thuật Tin Mừng kết thúc bằng một chi tiết khá bất ngờ nhưng rất đặc biệt: “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình”.
                                                                                    Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT




Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Tại trần gian, kẻ tốt người xấu chung sống với nhau

Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? " Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? "  Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13,24-30)
Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: «Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe». Người đáp: «Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.  Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
1. Trần gian, nơi người thiện người ác cùng chung sống
Trên đời, ta thấy người thiện và người ác đều sống chung với nhau trong cùng một xã hội. Môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy. Trong triều đình luôn luôn có trung thần và nịnh thần. Cai trị xã hội bao giờ cũng có những thanh quan, sống liêm khiết, yêu thương dân, lo cho dân, lẫn những cẩu quan, luôn tham ô, coi dân như đối tượng đàn áp, ức hiếp, bóc lột. Trong một tôn giáo, luôn luôn có những mục tử nhân lành, sẵn sàng sống chết cho đàn chiên, và cũng không bao giờ thiếu các mục tử giả, coi tín đồ mình như một bầy chiên có nhiệm vụ cung cấp «thịt và sữa» cho mình, khi nguy hiểm thì sẵn sàng phó mặc đàn chiên cho sói dữ. Hai hạng người tốt và xấu ấy luôn luôn sống cạnh nhau, lẫn lộn nhau, ảnh hưởng nhau, làm lợi mà cũng làm hại lẫn nhau. Người tốt thường phải đau khổ vì bị người xấu hãm hại, ức hiếp để họ được giàu có, uy quyền… Nhưng không thiếu những trường hợp người tốt cảm hóa được kẻ xấu, biến kẻ xấu thành người tốt.
Do ảnh hưởng lẫn nhau, người xấu có thể trở thành người tốt, và ngược lại. Chính vì thế, nếu người tốt biết tích cực hoạt động cho điều thiện, biết làm gương sáng, họ có thể trở thành «men tốt» (Mt 13,33), biến những người xấu chung quanh mình thành người tốt. Gương sáng của họ giống như những «hạt cải» mà Đức Giêsu nói đến (Mt 13,31-32), tuy nhỏ bé, nhưng sẽ lớn lên, ảnh hưởng đến toàn xã hội và thế giới. Trường hợp của Mẹ Têrêxa Calcutta là một điển hình. Giáo Hội mà có được thật nhiều «hạt cải» hay «men tốt» như vậy thì thế giới mới trở thành Nước Trời.
Thiên Chúa vẫn muốn trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, để cả hai được lợi. Người xấu có thể nhờ gương sáng của người tốt mà bớt xấu hơn, nhưng cũng có những trường hợp vì hại người tốt mà trở nên xấu hơn. Còn người tốt thì được thánh hóa nhờ những đau khổ do người xấu gây nên. Thiên Chúa vẫn thường thánh hóa những người Ngài chọn, những người Ngài yêu bằng đau khổ. Chính «Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10) và Ngài cũng «đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). Hãy xem cục đá mài và con dao: sau khi mài, con dao tuy bị mòn nhưng trở nên sắc bén và tăng giá trị lên; còn cục đá mài khi làm cho dao bị mòn thì chính nó cũng bị mòn đi, nhưng nó càng bị mòn thì càng bị giảm giá trị. Cũng vậy, người tốt khi chịu đau khổ vì người ác thì được thánh hóa và tăng giá trị lên. Còn người ác khi làm cho người thiện đau khổ cũng sẽ bị đau khổ vì hậu quả của việc ác, nhưng lại trở nên xấu hơn, kém giá trị đi.
2. Trần gian, nơi người thật người giả không phân biệt
Giữa người xấu và người tốt, người tinh tường có thể phân biệt được. Nhưng giữa những người được coi là tốt, vẫn luôn luôn có những người tốt thật và những người tốt giả. Trong số những người được tiếng là đạo đức, luôn luôn có những người đạo đức thật và những người đạo đức giả. Họ cùng làm những hành động tốt y như nhau, nhưng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau. Người tốt thật thì làm điều tốt vì thật sự yêu Chúa và thương tha nhân; còn kẻ tốt giả thì làm điều tốt là để được khen, để lấy lòng người, để được thăng tiến trong xã hội hay tôn giáo mình, v.v… Toàn là vì những động lực vị kỷ, chứ không vì yêu thương. Thánh Phaolô nói về cách đánh giá của Thiên Chúa đối với những người tốt giả này: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Chính Đức Giêsu cũng nói: «Khi bố thí, đừng như bọn đạo đức giả thích biểu diễn để người ta khen. Thầy bảo thật: họ đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,2; x. 6,5; 6,16)
Con mắt hay trí tuệ người trần khó có thể phân biệt được tốt thật và tốt giả, vì tiêu chuẩn để phân biệt thật hay giả nằm sâu trong đáy lòng người: «Sông sâu biển rộng dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người?» Các nhà tu đức diễn tả thực trạng khó phân biệt này bằng câu: «Sanctus est sed non videtur, videtur sed non est»: người thánh thiện thực thì lại không có vẻ thánh thiện (vì không cố ý ra vẻ thánh thiện), còn người thánh thiện giả thì cố làm ra vẻ thánh thiện để mọi người nể phục, ca tụng.
Cứ so sánh Đức Giêsu, người thật sự thánh thiện, với những người Pharisêu, những kẻ cũng được tiếng là đạo đức thì thấy rõ điều ấy. Đức Giêsu chẳng làm ra vẻ thánh thiện bao giờ: Ngài thật “bụi đời”, hay giao thiệp với hạng tội lỗi, lại ăn uống nhậu nhẹt với họ, và hay vi phạm luật sabát. Ngài cũng chẳng có vẻ gì là gắn bó với đền thờ cho lắm, lại còn nói một câu thật khó lọt tai người Pharisêu: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải tại (đền thờ) trên núi này hay ở Giêrusalem» (Ga 4,21). Còn mấy ông Pharisêu thì lúc nào cũng làm ra vẻ đạo mạo, đáng kính, thích cầu nguyện, bố thí ở những nơi công cộng, có ăn chay thì cũng làm ra vẻ âu sầu cho mọi người biết mình đang ăn chay. Họ có vẻ thánh thiện hơn Đức Giêsu nhiều! Nhưng Ngài nói về họ: «bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác» (Mt 23,28).
Để dễ hiểu hơn, ta hãy so sánh hai chàng nọ theo đuổi một cô nhà giàu kia: một anh yêu cô chân thực, còn anh kia có ý “đào mỏ”. Anh “đào mỏ” có vẻ yêu cô hơn: những dịp sinh nhật, bổn mạng, ngày phụ nữ 8-3 hay ngày Valentine, anh mau mắn tặng cô những bông hoa thật tươi, những tặng phẩm đắt giá… Còn anh kia nếu không xảy ra những chuyện hệ trọng thì xem ra chẳng sốt sắng mặn mà với cô được như vậy. Nhưng cô gái tinh ý sẽ nhận ra ai thật sự yêu mình. Nếu khờ khạo thì cô sẽ phải lòng anh “đào mỏ”!
3. Chung cuộc: thiện ác, thật giả phân minh
Người đời thật khó mà phân biệt được người tốt thật và người tốt giả, vì họ chỉ có thể nhìn thấy những gì bề ngoài, chứ không thấy những gì xảy ra trong đáy lòng con người. Vì thế, việc xét đoán người tốt người xấu, người tốt thật người tốt giả không phải là chuyện của con người, mà là của Thiên Chúa. Chỉ mình Ngài mới có khả năng «dò thấu lòng dạ con người» (Tv 7,10; Kh 2,23). Chúng ta không nên làm công việc mà chỉ Thiên Chúa mới làm được và chỉ dành cho Ngài: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán» (Mt 7,1). «Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, chúng ta là ai mà dám xét đoán người khác?» (Gc 4,12).
Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy Thiên Chúa muốn ở trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, người tốt thật và tốt giả lẫn lộn nhau khó mà phân biệt. Nhưng đến ngày chung cuộc, kẻ tốt người xấu sẽ tách biệt nhau, kẻ tốt thật người tốt giả đều ra trước ánh sáng. Ngày ấy không ai che giấu ai được điều gì, vì «không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ» (Mt 10,26). «Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ» (Mt 13,43); còn «mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị tống ra khỏi Nước của Người, bị quăng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 13,41-42).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con đủ kiên nhẫn để chịu đựng những đau khổ mà người ác tâm gây ra cho con. Xin cho con biết yêu thương họ, dù họ làm hại con. Xin giúp con năng cầu nguyện cho họ, mong những điều tốt đẹp đến với họ, nhất là tìm cách làm họ nên tốt hơn. Xin cho con mặc lấy tâm tình yêu thương và cứu độ của Đức Giêsu: «Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Có yêu thương họ thì mới cứu họ được. Xin cho con yêu cả những người ác với con. (JK)
                                                                                                      (Dựa theo Nguyễn Chính Kết)

Nghe Lời và hiểu sẽ sinh hoa kết quả

"Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13,18-23)
Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống”. Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại. Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời. Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ.
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy. Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo. Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên. Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim. Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu. Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu. Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận. Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.
Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi. Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay, nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn. Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay. Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu. Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình. Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.
Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây, nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt. Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có. Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.
Cuối cùng là đất tốt, hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục. Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa. Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.
Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình. Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất. Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái. Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn, để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.
   (Dựa theo Lm. Nguyễn Cao Siêu)




Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH NỮ ANNA

THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH NỮ ANNA
Song thân của Đức Trinh Nữ Maria
"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. (Mt 13,16-17)
Truyền thống cổ xưa từ thế kỷ II kể rằng song thân của Đức Trinh Nữ Maria là thánh Gioakim và thánh nữ Anna. Lòng sùng kính hai vị là hiệu quả tất yếu của lòng đạo đức các tín hữu vẫn dành cho ái nữ của các vị là Đức Maria. Đức Lêô XIII đã thiết lập một lễ kính chung thánh Gioakim và thánh nữ Anna, vì trước kia hai ngài được kính riêng, cho đến khi có cuộc canh tân phụng vụ mới đây.
Theo Đức Gioan Phaolô II, thánh Gioakim và thánh nữ Anna là một cảm hứng bất tận cho cuộc sống gia đình và xã hội thường nhật. Đức Thánh Cha kêu gọi: Hãy loan truyền cho nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, toàn bộ gia sản tinh thần của đời sống Kitô Giáo, gồm cả việc cầu nguyện. Đức Maria tiếp nhận từ song thân của Mẹ những gia sản truyền thống của nhà Đavít, một di sản đã được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Ở đó, Mẹ học biết thân thưa cùng Thiên Chúa Cha bằng thái độ cung kính sâu xa. Cũng tại mái nhà ấy, Mẹ đã học biết những lời tiên tri nói về ngày đến của Đức Messiah – về nơi sinh của Con Mẹ…
Khi đến giờ phải tạo lập một mái nhà riêng cho Chúa Giêsu sinh ra đời, Đức Maria chắc chắn đã nhớ lại mái nhà của song thân. Và rồi Chúa Giêsu cũng học biết từ nơi Mẹ những cách thế để thân thưa và những lời đầy khôn ngoan mà sau đó Người đã sử dụng trong thời kỳ rao giảng. Hài nhi Giêsu đã thảo hiếu lắng nghe từ môi miệng Đức Maria những lời cầu nguyện đầu tiên, giống như những con trẻ Do Thái ngay khi vừa bập bẹ biết nói đã được nghe cha mẹ dạy cho. Đức Maria chắc hẳn là một người thầy rất mực tốt lành! Mẹ đã phản chiếu sự phong phú nơi linh hồn đầy ân sủng của Mẹ một cách dịu hiền. Chúng ta được tiếp nhận tặng ân đức tin vô giá và vô số tập tục tốt lành từ tổ tiên, những người đã giữ gìn và truyền lại cho chúng ta kho tàng quí giá ấy. Đồng thời, chúng ta cũng có bổn phận phải bảo tồn gia sản sinh động này để truyền lại cho người khác.
Hiện nay có những cuộc tấn công mãnh liệt đang chống lại các gia đình, chúng ta phải can đảm để bảo tồn di sản chúng ta đã được lãnh nhận. Chúng ta được mời gọi để làm giàu thêm những di sản ấy bằng đức tin và sự chiến đấu để sống các nhân đức nhân bản. Bổn phận chúng ta là phải làm cho Thiên Chúa hiện diện trong mái nhà của chúng ta bằng những phương thế truyền thống Kitô Giáo, chẳng hạn đọc kinh trước và sau khi dùng bữa, đọc kinh tối trong gia đình…, đọc Lời Chúa với người cao niên, đọc một lời kinh ngắn cho những người qua đời, nhắc nhớ những ý nguyện của gia đình và của Đức Thánh Cha, cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, cùng lần chuỗi Mân Côi, kinh nguyện được các Đức Thánh Cha thường xuyên cổ võ cho các gia đình. Kinh Mân Côi rất phù hợp với thời biểu gia đình, kể cả những chuyến du lịch… Không cần dồn nén quá nhiều việc đạo đức trong các gia đình, tuy nhiên, phải có một số nào đó. Các bậc cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái sẽ dễ dàng tìm thấy con đường để hiểu biết tâm hồn chúng. Hơn nữa, những người trẻ sẽ không bao giờ quên được gương sáng của cha mẹ vì đã giúp họ cầu nguyện và đến với Đức Mẹ trong những nhu cầu cần thiết. Chúng ta mang ơn cha mẹ vì các ngài đã đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể… Chắc chắn, những bài học này là di sản lớn lao mà chúng ta được thừa hưởng.
Những hoàn cảnh xã hội hiện nay đòi các gia đình phải gắn bó với những niềm tin và quảng đại trong cách sống. Việc chúng ta khẳng định quyết tâm của mình sẽ rất đẹp lòng Đức Mẹ. Chúng ta quyết tâm trở nên những khí cụ liên kết các thành phần trong gia đình, nhất là qua các hành động phục vụ vui tươi và những hy sinh nhỏ mọn hằng ngày để giúp đỡ người khác. Một quyết tâm như thế sẽ đưa chúng ta đến việc cầu nguyện cho thành phần nào cần được cầu nguyện nhiều nhất trong gia đình, giúp đỡ thành viên nào yếu đuối hoặc thành viên nào đang sa sút, và đặc biệt là sống yêu thương đối với thành viên nào đang yếu bệnh hoặc gặp gian truân.
Lạy Thiên Chúa là Đấng tổ phụ chúng con tôn thờ, Chúa đã ban cho thánh thánh Gioakim và thánh Anna được diễm phúc sinh hạ Đức Maria là Thánh Mẫu của Đức Kitô, Con Chúa nhập thể. Xin nhậm lời Hai thánh  chuyển cầu, mà cho chúng con được hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban cho dân riêng của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.



Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Ai làm lớn phải phục vụ

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
  (Mt 20,20-28)
Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. "Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.
Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ông được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). "Ðức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu… chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).
Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.
Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ - "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).
Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTÐ 12:1-3a).
Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.
Lời Bàn
Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Gia-cô-bê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ người cầu thay nguyện giúp mà được luôn nâng đỡ phù trì. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.


Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Người Mục Tử

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,30-34)
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mac-cô đã gọi các môn đệ là “Tông Đồ”, nghĩa là người được sai đi. Đây có lẽ là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất thánh Mac-cô dùng từ Tông Đồ đối với các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa nhật thứ XV thường niên, chúng ta được nghe bài Tin Mừng Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ, trang bị cho các ông những gì rất cần thiết cho cuộc rao giảng Tin Mừng và rồi chính Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi để loan báo Tin Mừng. Ngày hôm nay, Bài Tin Mừng tường thuật các tông đồ đã trở về sau một cuộc truyền giáo, hẳn các Ngài cũng đã cảm nghiệm được sức mạnh của Tin Mừng mà các Ngài loan báo, đồng thời các Ngài cũng có những kinh nghiệm về sự chống đối, sự khước từ và lạnh nhạt.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: các tông đồ rất là mệt mỏi và các Ngài cần có được sự nghỉ ngơi. Các Tông Đồ đã quy tụ về bên Chúa Giê-su để kể lại cho Chúa Giê-su nghe những điều các ông đã rao giảng, những gì các ông đã làm khi Chúa Giêsu truyền cho các ông ra đi.
Đây chính là giờ chia sẻ những kinh nghiệm về những thất bại trong cuộc rao giảng, nhất là để báo cáo cho Chúa Giêsu biết về những thành quả mà các vị đã thực hiện, từ đó rút ra những kinh nghiệm, những bài học, và các ngài lại được Chúa Giêsu bồi dưỡng thêm về chuyên môn, để các ngài ra đi những lần sau sẽ có kết quả tốt đẹp hơn.
Thánh Mac-cô trong bài Tin Mừng hôm nay, đã tóm lại tất cả sứ vụ của các tông đồ trong 2 bình diện, đó là “nói và làm”, đây cũng là những đặc điểm hoạt động của Chúa Giêsu. Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã rao giảng Lời của Thiên Chúa bằng chính cuộc đời Ngài, bằng chính những hành động của Ngài trong cuộc sống. Chúng ta nhận ra được rằng: Đức Giê-su và các tông đồ là những người thợ, người thầy cùng nói, cùng làm một công việc như nhau.
Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thánh Mac-cô kể lại rằng: các tông đồ đã mệt mỏi sau một cuộc truyền giáo rất là vất vả, bởi vì đối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, người ta chỉ có đi bộ, đi bộ là phương tiện duy nhất để mà di chuyển. Vì vậy, Chúa Giêsu thấy các môn đệ của Ngài đã mệt mỏi, Người nói với các môn đệ “anh em hãy lánh riêng ra một nơi để mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Tin Mừng hôm nay cũng kể lại: vì kẻ lui tới quá đông, nên Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài không có thời gian để mà ăn uống nữa, vì vậy nhu cầu nghỉ ngơi là một điều cần thiết, nhất là trong lúc này. Đức Giê-su đã đề nghị với các bạn của Ngài đang quẳng mình với công việc truyền giáo, hãy tìm một nơi để mà nghỉ ngơi, để mà thư giãn.
Đức Giê-su cho các tông đồ của Ngài, cho tất cả mọi người có một sự quân bình, một sự thanh tịnh, và ổn định nhờ vào nhu cầu của sự thinh lặng, tránh xa nơi ồn ào náo động của đám đông dân chúng. Đây là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhất là với mỗi người trong thời đại chúng ta.
Đây không phải là lần duy nhất mà Thánh Mac-cô kể lại cho chúng ta biết về Đức Giê-su thích sự yên tĩnh, và tránh đi nơi ồn ào của đám đông dân chúng.
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, chúng ta hãy xét lại chính bản thân của mỗi người chúng ta, trong một tuần lễ, trong một ngày trống đối với chúng ta có dành cho Chúa một khoảng thời gian để sống thinh lặng trong cõi riêng tư với Chúa hay không? Hay là chúng ta chỉ có những ồn ào, hào nhoáng bên ngoài, những cái đó càng làm cho chúng ta thêm mệt mỏi mà thôi.
Xin Chúa cho mỗi người chúng con, Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết dành thời gian để trao đổi với Chúa về những kinh nghiệm, những điều chúng con đã thi hành theo mệnh lệnh của Chúa. Xin Chúa cũng bồi dưỡng thêm cho chúng con về những kinh nghiệm trong cuộc sống, để cho việc loan báo Tin Mừng của mỗi người chúng con có kết quả.
  (Theo bài giảng của cha Giuse Mai Văn Hoàn – linh mục phụ tá giáo xứ Phaolô)

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Thánh Bênêđictô viện phụ


Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần
(Mt 10,1-7)
Bênêđictô chào đời năm 480, tại Norcia. Sự giáo dục đạo đức trong gia đình đã sớm làm cho ngài trưởng thành về phương diện luân lý. Dù mới chỉ là một thiếu niên 16, 17 tuổi, mà ngài đã có những tư cách thật khôn ngoan, không ham chi những thú vui, khoái lạc, coi thường danh vọng, của cải trần gian.
Sau những ngày hạnh phúc sống dưới mái nhà êm ấm, ngài được gửi đi du học tại La Mã. Ðang mải mê việc học thì Bênêđictô tìm ra ý Nhiệm Màu của Thiên Chúa. Ngài vào hoang địa Subiacô cách La Mã 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với Chúa.
Danh tiếng và lòng đạo đức thánh thiện của ngài được truyền tụng khắp nơi. Không một ai mà không biết đến tên ngài.
Gần nơi ngài trú có một nhà dòng, vị Bề Trên vừa mới mất, nên toàn thể cộng đồng đã đến xin thánh nhân kế vị và coi sóc. Trước lời van xin tha thiết, ngài đã bằng lòng. Sau một thời gian, ngài lại trở về hang cũ, sống mật thiết với Chúa hơn.
Số người đến xin làm môn đệ ngài càng ngày càng đông. Ngài phải lập ra nhiều nhà cho họ trú. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, ngài ra sức giảng thuyết cho dân chúng xa rời các ngẫu tượng trở về với Thiên Chúa. Kèm theo lời giảng, Chúa đã dùng tay ngài thực hiện những phép lạ cả thể, chữa bệnh tật cho kẻ chết sống lại. Chúa cũng ban cho thánh nhân ánh sáng để thấu rõ lòng người, biết trước công việc xảy ra. Cuộc sống của ngài đã chứng minh lòng tin cậy nơi Chúa rất sâu xa, và nhân đức khó nghèo trọn hảo.
Vì tuổi già sức yếu do thời gian chay tịnh, hy sinh hãm mình, ngià đã mong ước về cùng Chúa sau những ngày dọn mình sốt sắng. Nhiều phép lạ xuất hiện sau cái chết của ngài, làm cho danh thơm và sự nghiệp của ngài loan truyền, tồn tại mãi mãi. Chính sự phát triển mau lẹ của nhà dòng ở khắp năm châu đã nói lên được điều đó.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)






Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít


 Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
(Mt 9,38)
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít”. Thợ gặt là những nhà Truyền giáo, được Chúa sai đến sẽ được đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế không phải vậy, vụ mùa bội thu nhưng không thiếu những gian nan khốn khó. Thí dụ: Khi các nhà truyền giáo trên đường đi đến Việt Nam, có người đã bị chết, như Đức cha Cô-tô-len-đi và 07 vị khác. Các ngài đã thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu; “Hãy ra đi” cho dù biết chắc ra đi không hẹn ngày về, với mong ước hạt giống Lời Chúa được gieo xuống sẽ nảy nở nơi các ngài được sai đến.
Ngày nay, hiện trạng đức tin trên toàn thế giới đang giảm sút nghiêm trọng, nhưng tôi lại chưa làm gì nhiều để đem Lời Chúa đến cho người chung quanh, ngay cả những người thân cận của mình. Sợ rằng với đà này, đức tin của chúng ta sẽ bị suy giảm.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm hăng hái rao giảng Tin Mừng bằng ngay chính cuộc sống của mình để có thể dẫn đưa anh chị em của mình về với Chúa.




Ngắm 15 SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU




THƯƠNG ÔI ! 
CON ĐỨC CHÚA TRỜI RA ĐỜI 
CHỊU TRĂM NGHÌN SỰ THƯƠNG KHÓ VÌ TỘI THIÊN HẠ.
THỨ NHẤT THÌ NGẮM:
Khi Đ.C.G. đã đến ngày dọn chịu nạn, mà chuộc tội cho thiên hạ, thì có thằng Giuđa là đầy tớ, Đ.C.G. đã nuôi nó nhiều năm, dạy dỗ những sự hiền lành; mà quỷ dục lòng nó bán Đ.C.G. cho quân Giudêu ba mươi đồng bạc. Vậy, Đ.C.G. thương thiên hạ, toan liều mình chịu chết, thì giã Đức Mẹ mà đi thành Giêrusalem, là kẻ chợ nước Giudêu. Song le trước chịu nạn, thì đêm ấy Đ.C.G. lấy nước mà quì xuống rửa chân cho các đầy tớ cả, cùng rửa chân thằng Giuđa với, chẳng những nước không, cùng lấy nước mắt rửa chân cho nó nữa, vì thương tiếc linh hồn ấy rình mất. Đoạn Đ.C.G. truyền phép Thánh Thể cho thiên hạ: là phép Mình Thánh, nuôi lấy linh hồn loài người ta cho đến hết đời.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Đội ơn Đ.C.G. đã truyền phép Thịt Máu mình cho chúng tôi. Lại xin xuống sức giữ đạo cho trọn, chớ bắt chước thằng Giuđa bán Đ.C.G. làm vậy. Amen. 
THỨ HAI THÌ NGẮM:
Khi Đ.C.G. đêm ấy thấy tội thiên hạ, và thằng Giuđa phải sa hoả ngục cùng kẻ ngày sau theo ý nó, thì Đ.C.G. lo buồn sầu não, liền vào một vườn làng ấy gọi là Giệtsimani, mà chọn ba đầy tớ đi cùng, một là ông thánh Phêrô, hai là ông thánh Giacôbê, ba là ông thánh Gioan. Vậy Đ.C.G. sấp mình xuống đất, cầu cùng Đức Chúa Cha ba lần. Đang khi còn nguyện, thì Đức Chúa Cha sai một Thiên Thần xuống an ủi Đ.C.G. vào chịu nạn, cho cả và loài người ta được khỏi tội. Đoạn Đ.C.G. lo lắm, cho nên nhọc cả và mình, mà những mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. lo buồn vì chúng tôi. Xin dốc lòng chừa mọi tội; kẻo làm cho Đ.C.G. lo buồn làm vậy. Amen. 
THỨ BA THÌ NGẮM:
Khi Đ.C.G. đã biết thằng Giuđa cùng các quân dữ đã đến gần, thì Đ.C.G. rước nó. Bấy giờ thằng Giuđa giả chước đến hôn mặt Đ.C.G. mà người biết lòng nó độc, thì cũng nhịn mà chào nó. Đoạn liền hỏi các quân dữ rằng: bay đi tìm ai? Nó thưa rằng: chúng ta đi tìm Giêsu Nazarét. Bấy giờ Đ.C.G. phán rằng: Ta đây , nó liền ngã ra hết. Đoạn Đ.C.G. cho nó đứng dậy, mà hỏi như khi trước, nó lại thưa như vậy, thì Người mới phó mình cho nó bắt. Khi ấy ông thánh Phêrô chém đứt tai một người đầy tớ thầy cả Giudêu, mà Đ.C.G. quở ông thánh Phêrô, cùng chữa tai thằng ấy cho đã. Bấy giờ quân dữ lấy lòi tói sắt, cùng dây da, mà buộc cổ, và trói cánh tay Đ.C.G. cùng đấm miệng ba mươi lần mà lôi đi. Đêm ấy Người ngã xuống đất bảy lần; mà quân dữ lại đạp dậy. Có kẻ lấy lọng gươm mà thúc; có kẻ lấy đuốc hoa trước mặt, lại châm vào mình cho tắt đi. Sau nữa, đến sông thì nó đi trên cầu, mà dòng dây bắt Đ.C.G. lội dưới sông lạnh lẽo giá rét.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. chịu khó vì chúng tôi; Xin mở dây ra là tội buộc linh hồn chúng tôi. Amen. 
THỨ BỐN THÌ NGẮM:
Khi quân dữ nộp Đ.C.G. cho Annát, là cha vợ Caipha làm thầy cả Giudêu, mà Đ.C.G. chịu nhiều sự khó trong nhà ấy, đoạn mới nộp cho Caipha. Bấy giờ có một người các quan, xỏ tay vào bao sắt, mà vả ngang mặt Đ.C.G. trước mặt thiên hạ. Thầy cả Giudêu nghe thấy, Đ.C.G. xưng mình là con Đức Chúa Trời, thì mắng rằng: ấy bay đã thấy nó nói lời lỗi làm vậy, còn tìm chứng nào làm chi nữa, mà chẳng giết đi cho rồi. Đêm ấy quân dữ bắt trói cánh tay Đ.C.G. vào cột đá, mà lấy khăn che mặt, đoạn mới nhổ, cùng giật tóc và râu Đ.C.G.. Lại lấy roi, cùng bên dưới hài đi, đánh ngang mặt, lại vả thâu đêm, bốn trăm lần. Đêm ấy có kẻ hỏi ông thánh Phêrô rằng: mày phải đầy tớ Giêsu chăng? Ông thánh Phêrô liền sợ, mà chối ba lần rằng:

Mình chẳng biết người ấy là ai. Đ.C.G. thương mà trở mặt ra xem ông thánh Phêrô, bấy giờ người ăn năn tội ấy lắm, ra ngoài khóc lóc, chẳng có khi đừng, trọn đời đến sớm mai gà gáy, nhớ đến tội xưa liền khóc lóc.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. chịu thương khó vì chúng tôi, xin cho chúng tôi mạnh sức mà xưng đạo Đ.C.G. ra kẻo ngày nào chối chăng. Amen. 
THỨ NĂM THÌ NGẮM:
Khi quân dữ sớm mai nộp Đ.C.G. cho quan Trấn Thủ tên là Philatô, mà quan ấy xét chẳng thấy sự gì lỗi thì khiến tha: nhưng mà quân ấy kêu can chẳng cho, thì Philatô phó Đ.C.G. cho mặc vua Êrode xét. Mà Êrode hỏi mọi lẽ, song le Đ.C.G. chẳng thưa một điều, cho nên vua ấy giận mà chê răng: Người này dại, nào biết đí gì mà nộp cho tao xét làm sao? Đoạn khiến lấy áo trắng cho mặc: rằng người dại thì mặc áo ấy, mà đem về trả quan Philatô, khi còn đi dọc đàng, thì quân dữ đánh Đ.C.G. cùng làm những sự xấu hổ. Philatô thấy Đ.C.G. thì thương: Vốn thói Giudêu, đến ngày lễ cả thường tha một người tù; cũng có đứa trộm cướp giết người, tên là Baraba cầm đấy, thì Philatô hỏi dân rằng: một là Giêsu, hai là Baraba, bay muốn tha ai? Bấy giờ nó thưa rằng: tha Baraba mà giết Giêsu.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. chịu xấu hổ vì chúng tôi. Xin cho chúng tôi được lòng kính mến Đ.C.G. trên hết mọi sự, chớ bắt chước quân Giudêu yêu kẻ gian dữ, mà bỏ mọi sự lành làm chi. Amen. 
THỨ SÁU THÌ NGẮM:
Khi Philatô thấy dân chẳng chịu tha Đ.C.G.thì phó cho một cơ quân, là sáu trăm sáu mươi sáu người, mà khiến đánh Đ.C.G. cho đẹp lòng dân Giudêu. Bấy giờ nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá. Đoạn lấy chà gai, cùng dây da, và lòi tói sắt đánh cả và mình Đ.C.G. dư năm nghìn đòn, cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương, chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người như trước nữa. Song le bấy nhiêu quân ấy chẳng có ai thương Đ.C.G. sốt; nó đánh nhọc mỏi tay; mà lòng Người còn muốn chịu khó nữa vì tội thiên hạ.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. phải đòn như kẻ trộm cướp trước mặt thiên hạ. Xin cho chúng tôi dốc lòng chừa mọi tội, kẻo làm cho Đ.C.G. phải đòn làm vậy. Amen. 

THỨ BẢY THÌ NGẮM:
Khi quân dữ đã đánh Đ.C.G. đoạn, thì Người mặc áo vào, mà áo ấy dính máu nơi dấu đòn đánh, thì quân dữ lại giật áo đi, cho nên máu nơi dấu lại chảy ra theo. Bấy giờ nó khiến Đ.C.G. mặc một áo đỏ, đoạn lấy chà gai khoanh tròn làm nén, đóng vào đầu Đ.C.G. bảy mươi hai cái gai thì lọt vào óc, máu chảy xuống đầy mặt ròng ròng. Đoạn nó khiến Người ngồi, mà quì xuống nhạo rằng: tâu vua Giudêu, cùng giổ ngang mặt. Có kẻ lấy dùi mà va trên gai lọt vào cho lắm, có kẻ thì vả ngang mặt, cho nên máu trong miệng lại chảy ra.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. là Chúa thật trời đất. Xin cho chúng tôi thờ phượng cùng kính mến trên hết mọi sự. Amen. 

THỨ TÁM THÌ NGẮM:
Khi Philatô thấy các quan làm khốn Đ.C.G. quá lẽ lắm thì thương, mà ngờ là dân xem thấy hình tượng khốn nạn làm vậy cũng thương chăng, thì Philatô đem Người lên nơi cao trước mặt thiên hạ mà rằng: "Này là Người ấy". Dân liền kêu lên rằng: đem đi đóng đanh nó gác thánh giá. Philatô lại rằng: tao đóng đanh vua bay làm sao?

Dân thưa rằng: chúng tôi có một vua tên là Sisari. Bấy giờ Philatô thấy mất công; sợ dân cáo mình cùng vua chăng, thì phó Đ.C.G. cho mặc dân đem đi giết.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. xin cho chúng tôi giữ nghĩa cho đến trọn đời, chớ bắt chước quân Giudêu chẳng nhìn Đ.C.G. làm vậy. Amen.
THỨ CHÍN THÌ NGẮM:
Khi quân Giudêu đóng cây thánh giá nặng lắm, mà khiến Đ.C.G. vác đi, thì Người yếu nhọc hết sức, vác đi lâu ngã xuống đất mà quân dữ chẳng thương, lại đạp dậy, giục đi cho chóng. Sau nữa, nó sợ Người chết dọc đàng chẳng đến nơi chăng, thì nó mượn một người đi đàng vác đỡ. Khi ấy cả và thiên hạ theo mà xem, song le những người mến Đ.C.G. thì thương khóc lóc. Bấy giờ Người giở mặt lại mà rằng: "Ở con thành Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, một khóc thương bay; cùng con cháu bay ngày sau phải khốn mà chớ". Đang khi Người còn vác thánh giá đi, thì có một bà ấy tên là Veronica, thấy mặt mũi Đ.C.G. những máu chảy ra, thì bà ấy trao khăn cho Người lọt mặt đi, hết hình tượng mặt liền in vào trong khăn ấy, rầy hãy còn ở thành Roma.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. vác thánh giá nặng là tội chúng tôi. Xin cho chúng tôi được lòng ghét tội, kẻo làm khốn cho Đ.C.G. làm vậy. Amen. 
THỨ MƯỜI THÌ NGẮM:
Khi quân dữ đem Đ.C.G. lên núi, tên là Calvariô; là nơi những sọ kẻ phải giết vì có tội lỗi; mà quân ấy khiến Đ.C.G. uống rượu với của đắng. Đoạn lột áo ra, những máu nơi dấu đòn đánh lại chảy ra theo. Bấy giờ nó bắt Đ.C.G. nằm ngửa trên cây Thánh Giá mà lấy búa đóng đanh tay tả. Tay hữu thì nó buộc kéo hết sức liền giãn xương ngực ra, mà đóng đanh vào, cho nên Đ.C.G. đau đớn lắm. Đoạn lại kéo hai chân xuống cho đến lỗ nó làm đã sẵn, mà đóng đanh vào.

Bấy giờ các quan lấy một ván viết chữ vào rằng: "Giêsu Nazarét, là vua Giudêu", đoạn đóng ván ấy vào Thánh Giá. Quan viết chữ ấy cho xấu hổ; song le ý Đức Chúa Trời khiến viết chữ ấy, cho thiên hạ biết: Đ.C.G. dù mà chịu hèn hạ làm vậy thì cũng là Vua thật Giudêu, cùng khắp mọi nước. Đoạn nó đào lỗ dựng Thánh Giá lên; khi ấy dấu hai tay Đ.C.G. bởi xác nặng thì xếch ra máu chảy xuống đất ròng ròng. Bấy giờ bốn người các quan, lấy áo ngoài Đ.C.G. cắt chia ra làm bốn phần, còn áo trong thì để vậy mà bắt thăm, ai được thì lấy trót. Đoạn những sãi, cùng các quan, cả và thiên hạ nhạo cười làm cho xấu hổ, mà Đ.C.G. liền rằng: "Con xin Đức Chúa Cha tha tội cho nó, vì nhầm chẳng biết".

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. chịu đóng đanh vì cả và loài người ta. Xin dâng mình chúng tôi cho Đ.C.G., vì đã lấy hết máu mình mà chuộc tội cho thiên hạ. Amen. 
THỨ MƯỜI MỘT THÌ NGẮM:
Khi quân dữ đóng đanh Đ.C.G.,cùng đóng đanh hai người trộm cướp hai bên, mà một đứa bên tả mắng Đ.C.G. rằng: Phải con Đức Chúa Trời, sao chẳng chữa mình cùng chữa ta nữa. Bấy giờ người bên hữu mắng nó rằng: ta là kẻ có tội, đáng sa hoả ngục, chịu đóng đanh thì thậm phải, mà Người có tội lỗi gì mà chịu làm vậy, sao mày trách Người làm chi?

Đoạn xin cùng Đ.C.G. rằng: "Lạy Chúa tôi, khi nào lên nước trên trời, nhớ đến tôi cùng". Bấy giờ Đ.C.G. giở mặt lại cùng người ấy mà rằng: "thật hôm nay Tao cho mày ở nơi vui vẻ cùng Tao". Sau nữa Rất Thánh Đức Mẹ mắng tiếng đã đem Con đi giết, thì Người đi theo dọc đàng, thấy máu Con rơi cho đến nơi Đ.C.G. chịu nạn. Khi các quan đóng đanh Con, thì cũng như đóng đanh trong lòng Đức Mẹ vậy, vì Người yêu Con trên hết mọi sự. Vậy Đ.C.G. thấy Đức Mẹ đứng gần ông thánh Gioan thì thương mà nói rằng: "Ở Bà kia, ấy Gioan là con Bà" Lại phán cùng ông thánh Gioan rằng: "Bà ấy là Mẹ con". Đức Mẹ nghe lời làm vậy thì lo buồn lắm, vì đã biết thật, một ít nữa Con chẳng còn ở cùng Mẹ nữa. Khi ấy là giờ ngọ, mà cả và trời đất liền tối tăm mù mịt, mặt trời xem chẳng đang, Chúa sinh nên muôn vật chịu nạn cùng chịu xấu hổ dường ấy.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. cùng Đức Mẹ: Xin cho chúng tôi được làm con Rất Thánh Đức Bà, như ông thánh Gioan thuở xưa. Amen. 
THỨ MƯỜI HAI THÌ NGẮM:
Khi Đ.C.G. một giờ rưỡi ở trên thánh giá mà ở lặng; cầu cùng Đức Chúa Cha thầm thĩ. Đoạn Đ.C.G. than thở cả tiếng rằng: Đức Chúa Cha để con chịu một mình làm sao? Ý Người nói làm vậy cho thiên hạ biết: Đ.C.G. chịu thương khó hết lòng hết sức vì tội thiên hạ. Đoạn Đ.C.G. mướt máu thì kêu rằng, "khát nước", quân dữ liền lấy giấm đưa lên cho uống. Bấy giờ Người phán rằng: "đã đoạn", ấy là hết việc chuộc tội cho thiên hạ.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. xin cho chúng tôi đẹp lòng Đ.C.G. liên; chớ bắt chước quân Giudêu lấy của chua cho uống, ấy là chớ làm tội lỗi mất lòng Đ.C.G. nữa. Amen. 
THỨ MƯỜI BA THÌ NGẮM:
Khi Đ.C.G. đã chảy hết máu mình ra, con mắt thì lõm vào; mặt mũi thì xanh xao, liền kêu cả tiếng rằng: "Con phó linh hồn ở tay Đức Chúa Cha". Đoạn thì gục đầu xuống bên Đức Mẹ đứng, như giã Đức Mẹ vậy, mà linh hồn cực trọng ấy ra khỏi xác liền sinh thì. Bấy giờ cả và thiên hạ liền động, núi non là đá vỡ ra; màn trong nhà thờ xẻ ra làm hai; mồ kẻ chết bỗng chốc mở ra, mà trời đất u ám, như thương Đ.C.G. chịu chết vì tội thiên hạ.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Đội ơn Cha Cả đã chịu chết vì con dữ là chúng tôi. Xin dốc lòng chừa mọi tội cho nên, kẻo làm cho Đ.C.G. chịu chết làm vậy. Amen. 
THỨ MƯỜI BỐN THÌ NGẮM:
Khi linh hồn Đ.C.G. ra khỏi xác, xuống ngục tổ tông, cứu những linh hồn các Thánh xưa ở đây, đợi trông Đ.C.G. xuống thế chuộc tội cho thiên hạ. Bấy giờ quan tướng cùng nhiều các quan thấy những phép lạ làm vậy, thì xưng ra rằng: "Người ấy là con Đức Chúa Trời thật", liền đánhngực ăn năn, vì đã phạm tội cực trọng ấy.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Xin Đ.C.G. thương chúng tôi còn ở dưới thế, trông ngày sau thấy mặt cực tốt cực lành, như các Thánh ở ngục tổ tông xưa. Amen. 
THỨ MƯỜI LĂM THÌ NGẮM:
Khi xác Đ.C.G. còn trên Thánh Giá, thì có một người các quan, lấy đòng mà đâm cạnh nương long Đ.C.G. phải Trái Tim, bấy giờ máu cùng nước chảy ra, song le khi ấy xác Đ.C.G. chẳng có đau, vì đã sinh thì, nhưng mà lòng Đức Mẹ đau đớn, như đâm trong lòng vậy; vì nó chẳng thương khi còn sống, cùng chẳng thương khi đã sinh thì. Đoạn hai người trọng là đầy tớ Đ.C.G.: một là Giuse, hai là Nicôđêmô, cất xác xuống, mà phó ở tay Đức Mẹ, thì Người khóc lóc thương Con chẳng có khi đừng. Đoạn tắm xác Đ.C.G. mà táng trong hang đá, thì cũng như cất xác Đức Mẹ với, vì Người thảm thiết thương Con lắm; khi cất xác Con, thì như cắt ruột Mẹ ra vậy.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, ***3 kinh Kính Mừng***.
Thương Đ.C.G. để cho người ta cất xác xuống đất, xin cho chúng tôi nhớ đến những sự thương khó Đ.C.G. xưa chịu chết vì tội thiên hạ, mà tích trong lòng chúng tôi cho đến trọn đời. Amen. 

CHÚNG TÔI DÂNG 15 SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU CHO ĐỨC BÀ:
Lạy ơn Rất Thánh Đức Bà Maria, lòng rộng rãi cực nhân cực thương, xưa thấy Con là Đ.C.G., Giuda bắt nộp cho quân Giudêu, thì lòng Đức Bà đau đớn, như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Lại thấy Đ.C.G chịu đòn đánh nát hết cả và mình, chịu đội mạo gai, vác Thánh Giá nặng, chịu đóng đanh mình trên cây Thánh Giá, chịu chết vì tội thiên hạ, thì lòng Đức Bà cùng cả và mình, lo buồn sầu não khóc lóc, như phải đóng đanh mình trên cây Thánh Giá vậy. Chúng tôi là kẻ rất hèn mọn, đã nguyện và ngắm mười lăm sự thương khó Đ.C.G, thì dâng cho Đức Bà, như cây hoa đỏ Máu Thánh Đ.C.G nhuộm, làm cho thơm tho loài người ta. Vì vậy chúng tôi cậy vì công nghiệp Đ.C.G cùng xin Đức Bà cầu cùng Đ.C.G, cho chúng tôi được mạnh sức trong linh hồn, cùng biết nguyện ngắm, và mến những sự thương khó Đ.C.G, cùng ở khiêm nhường, bằng lòng chịu những sự khốn nạn xấu hổ, cùng sự âu lo, lo buồn thế gian mà hằng giữ việc lành phúc đức, cho đến giờ qua khỏi đời này, được giữ một lòng kính mến Đức Chúa Trời, cho được ơn Đ.C.G. Amen.

IMPRIMATUR: Saigon, ngày 31-1-1972
Fr. TRẦN THANH KHÂM. Ep. Ãu & Vie Gen