Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Nên như trẻ nhỏ




Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10,13-16)

Ngày 25 Tháng Năm
Thánh Bêđa Vênêrabilê, linh mục tiến sĩ Hội Thánh
(673–735)
Thánh Bêđa sinh năm 673 tại Jarron vùng biên giới Anh Quốc và Ecosse. Ngài mồ côi cha khi lên bảy, nhưng bù lại người thụ hưởng nơi người mẹ một trí khôn sắc sảo và nhiều đức tính cao đẹp. Năm 682, ngài vào dòng Biển Ðức, sống một cuộc đời khiêm nhường, vâng lời và đơn sơ. Năm 29 tuổi, ngài lãnh chức linh mục và được cử làm giáo sư. Nhiệt thành với sứ mạng, ngài đã áp dụng những phương pháp mới, thích hợp với tâm lý. Ngoài việc dạy học, ngài còn viết nhiều sách có giá trị thuộc đủ mọi bộ môn như triết lý, toán học, và thường đảm nhiệm công tác đối chất với các lạc giáo. Nhưng điểm nổi bật hơn cả nơi ngài chính là đời sống nội tâm dồi dào, kết hiệp mật thiết với Chúa, hăng say cầu nguyện và trung thành với việc bổn mạng. Khi nằm trên giường bệnh với hai mắt mù lòa, ngài còn cố gắng đọc cho học trò chép bản dịch Phúc Âm Thánh Gioan. Ðến năm 735, ngài qua đời trong khi miệng vẫn còn đọc kinh “Sáng Danh” ca tụng Chúa. 
Ngày 13-11-1899, ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII truy phong lên bậc Tiến Sĩ Giáo Hội.
Thánh Grêgôriô VII, giáo hoàng
(1015–1085)
Thánh Grêgôriô VII tên thật là Hildebrand, sinh năm 1015 tại Sovana miền Toscane trong một gia đình trung lưu nước Ý. Ngài đã có công phục hưng tinh thần đạo đức của hàng giáo sĩ và tranh đấu cho tự do của Giáo Hội. Từ thời niên thiếu, ngài đã được sống trong bầu khí tu viện; và nhờ trí thông minh và lòng đạo đức, ngài đã thu lượm nhiều kết quả tốt đẹp. Khi Ðức Lêô IX lên ngôi, ngài được cử giữ những chức vụ quan trọng, và nhân dịp này, ngài đã đem hết tài lực ra ngăn chặn làn sóng sa đọa đang bành trướng trong Giáo Hội, bênh vực đức tin chống lại những giáo thuyết sai lầm của các bè rối. Ðược chọn làm Hồng y, ngài giữ nhiều chức vụ và sứ mạng quan trọng dưới thời Lêô IX, Victo II, Stêphanô IX, Nicolao II và Alexandre II. Sau khi đức Alexandre mất (1073), ngài được bầu lên kế vị. Dù ở địa vị Giáo Hoàng, ngài vẫn tiếp tục sống một cuộc đời khắc khổ như cũ.
Dưới triều đại của ngài, Giáo Hội phải trải qua những giây phút đen tối nhất: tinh thần đạo đức bị sa sút, các đế quốc xâm lăng thánh địa và quyền hành của Hội Thánh bị chi phối. Bằng cầu nguyện, hy sinh và lòng nhiệt thành hăng hái, ngài cương quyết bảo vệ tự do, uy quyền và tài sản Giáo Hội. Chính vì thế, ngài đã gặp phải nhiều đau khổ. Bị ép buộc rời khỏi Rôma, và sau đó, ngày 25-5-1805, ngài qua đời tại Salec. Lời vàng ngọc của ngài trối lại khi sắp chết: “Tôi yêu sự công chính và ghét điều bất công. Ðó là lý do tôi phải chết trong cảnh lưu đày này”. 
Tuy không đổ máu, nhưng đời sống tranh đấu của ngài xứng đáng được Ðức Grêgôriô VIII liệt vào hàng các vị tử đạo và được Ðức Phaolô V phong lên bậc Hiển Thánh.
Thánh MARIA MAĐALÊNA đệ Pazzi đồng trinh
(1566–1607)
Thánh nữ sinh ngày 2-4-1566 tại Florence nước Ý, thuộc gia đình Pazzi giàu sang và thế giá. Nhờ sự hướng dẫn của bà mẹ, Maria Mađalêna càng lớn càng thêm đức hạnh, nhất là lòng thương người và sự yêu thích cầu nguyện. Năm 16 tuổi, ngài từ hôn với một vị lãnh chúa và ngày 14-8-1582, ngài từ giã cha mẹ để hiến thân trong Dòng Kín, sống cuộc đời hoàn toàn khiêm nhượng, không làm mất lòng ai và luôn chu toàn những công tác theo luật Dòng. Thêm vào đó, ngài thường giúp đỡ các chị em khác chu toàn công tác và săn sóc các chị em đau yếu. Về cuối đời, thánh nữ đã phải chịu cơn bệnh ung thư kéo dài lâu năm. Ngài luôn luôn lặp đi lặp lại câu: “Thà đau khổ hơn là chết”. Sau cùng, vì cơn bệnh quá đau và kéo dài lâu ngày, ngài kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng ngày 25-5-1607. 
Ðức Giáo Hoàng Lêô IX đã tuyên phong ngài lên bậc Hiển Thánh ngày 28-4-1669.
Thánh Phêrô ÐOÀN VĂN VÂN, thầy giảng
(+ 1857)
Thánh Phêrô Ðoàn Văn Vân sinh năm 1780 tại làng Kẻ Bói tỉnh Hà Nam. Khi còn bé đã dâng mình cho Chúa vào sống trong Chủng Viện. Ðến năm 25 tuổi, thầy tình nguyện sống ở bậc kẻ giảng chuyên lo công việc truyền giáo bên cạnh các linh mục. Vì thầy rất chăm chỉ làm việc, sống đạo hạnh, nghèo khó nên Bề trên giao cho thầy chức vụ quản lý, trông coi mọi việc trong xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây.
Dưới thời vua Tự Ðức cấm đạo, ngài bị bắt và bị tố cáo là đạo trưởng, nhưng ngài đã khiêm nhường khai mình chỉ là thầy giảng chuyên lo giúp đỡ các linh mục. Cho dù bị các quan dụ dỗ và hành hạ, ngài quyết một mực giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa và ước mong được phúc tử đạo. Do đó, ngài bị án trảm quyết và lý hình đã chém đầu ngài tại Sơn Tây ngày 25-5-1857, hưởng thọ 77 tuổi. Xác ngài được an táng tại họ Bách Lộc. 
Ngày 2-5-1909, Ðức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân phước. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

Châu-Kiên-Long








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét