Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

TGP TPHCM: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2013


 Chúng ta hãy để cho lòng thương xót của Thiên Chúa đổi mới chúng ta, hãy để cho Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, hãy để cho cả sức mạnh tình yêu của Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta; và chúng ta hãy trở thành những dụng cụ của lòng thương xót này, những kênh chuyển qua đó Thiên Chúa có thể tưới ướt mảnh đất, giữ gìn toàn thể công trình tạo dựng, và làm cho công lý hòa bình được trổ hoa.” Ngài xác tín rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng có thể làm trổ hoa trên những mảnh đất khô cằn nhất có thể mang lại sự sống cho những bộ xương khô.”
Trên đây là một đoạn sứ điệp phục sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương - Giám mục Giáo phận Đà Lạt nhắc lại nhân dịp Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, có gần 20.000 người đã hòa mình cùng toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, tham dự Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót do Đức cha Cosme Hoàng Văn Đạt, S.J., Giám mục Giáo phận Bắc ninh chủ sự, vào lúc 17g30 ngày Chúa nhật 07/4/2013, tại Trung tâm Mục vụ TGP (TTMV), số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Đồng tế với ngài có Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục giáo phận Vinh, và 10 linh mục trong và ngoài TGP.
Ngay từ 13 giờ 30, mặc dù trời rất nắng nóng, vì lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu, sùng kính Lòng Chúa thương xót, Quý cha, quý tu sĩ nam nữ, giáo dân từ khắp nơi trên cả nước tiến vào sân TTMV trong bầu khí hân hoan, vui mừng.
Để chào mừng ngày Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2013, chào đón dòng người đến tham dự, đội trống của giáo xứ Tân Thái Sơn, giáo hạt Tân Sơn Nhì, trong trang phục cổ truyền rất đẹp, đã làm náo động sân TTMV bằng tiếng trống hùng tráng của mình.
Tiếng trống vừa ngưng, các MC đã hướng dẫn cộng đoàn hiểu rõ hơn về lược sử việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót và sự hoạt động của cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP TPHCM.
Ngày Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2013 lần lượt diễn ra
Cầu nguyện
Khởi đầu việc cầu nguyện, cộng đoàn giơ hai tay lên trời cùng hát Kinh Chúa Thánh Thần, để đón nhận ơn Thánh Thần, lần lượt: lần chuỗi Mân Côi bằng suy niệm năm mầu nhiệm mùa mừng với 50 kinh Kính Mừng, chuỗi kinh Thương Xót và giới thiệu về sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót.
Diễn nguyện
Sau khi cầu nguyện, để thay đổi bầu khí, cộng đoàn lần lượt được thưởng thức những ca khúc “Chúa là tất cả đời con” và “Con thuộc về Ngài” do ca sĩ Gia Ân trình bày, các bài ca “Tình yêu Thập giá” và “Hát cho Ngài, hát cho Người” do ca sĩ Đông Nghi biểu diễn, cùng giọng ca Diệu Hiền với liên khúc “Trong Trái Tim Chúa” và “Khi con vào đời” đã làm cho bầu khi sôi động, xua tan những mệt mỏi trong một chiều nóng bức.
Đặc biệt với tiểu phẩm “Lạy Chúa con tin” do đạo diễn Phạm Hữu Sĩ dàn dựng, được quý nữ tu dòng Con Đức Mẹ Mân Côi cùng với các em trường mầm non Hoa Hồng diễn xuất, đã gợi lại cho chúng ta một mẫu gương chăm sóc những con người khốn cùng của xã hội nơi Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Qua đó, người ta có thể nhận ra được những thương đau của nhân loại, những người tội lỗi gặp được Trái Tim Chúa nơi Mẹ Têrêsa Calcutta đã thay lòng đổi dạ, cũng là cách thức để chúng ta tôn sùng Lòng Thương Xót của Chúa.
Chia sẻ
Đức cha Antôn Vũ Huy Chương đã đến với cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót và chia sẻ những câu hỏi của cộng đoàn do cha Giuse Nguyễn Phát Tài làm cầu nối.
Theo Đức Cha Antôn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói nhiều về Lòng Chúa Thương Xót, điển hình là trong ngày 17/3/2013, khi cử hành thánh lễ Chúa nhật thứ V mùa chay, tại giáo xứ Thánh Anna Vatican, Đức Thánh Cha có nói “Lòng thương xót phải trở thành sứ điệp hằng ngày của mỗi người”.  Đức Thánh Cha nói tiếp: “Sứ điệp của Chúa là sứ điệp về Lòng thương xót”.
Đức Cha Antôn chia sẻ về sự tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót: Hồng ân Lòng thương xót của Chúa thì tuôn đổ như mưa, nhưng mỗi người cũng phải mở lòng ra để đón nhận. Chúa luôn tha thứ, nhưng cũng phải sám hối, thì mới nhận được ơn tha thứ. Đức Cha giới thiệu đôi nét về việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo phận Hưng Hóa và Giáo phận Đà Lạt nơi ngài làm Giám  mục, ngài nhắc đến hiện nay đã có 10 giáo phận có cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, nhưng chưa có giáo phận Đà Lạt, ngài xin anh chị em cầu nguyện cho giáo phận Đà Lạt.
Đức Cha Antôn cho biết: việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót phải phù hợp với luật phụng vụ, giáo huấn của Giáo Hội, ý muốn của Chúa Giêsu đã tỏ hiện cho Thánh Paustina, phải nhắm mục đích chính hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót nhắc chúng ta: Phải biết tạ ơn và tín thác vào Chúa Giêsu, tôn kính ảnh này tùy nghi đặt nơi trang trọng, chuỗi Lòng Chúa Thương Xót thể hiện một sức mạnh, vì kinh nguyện này gợi nên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đặc biệt là cầu nguyện cho những người đang hấp hối, ngoài ra còn có tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót tập trung vào nhu cầu của toàn thế giới, chứ không chỉ nhu cầu cá nhân. Nếu chỉ cổ võ khấn xin cho nhu cầu cá nhân thì không phù hợp với tinh thần của Thánh Paustina. Ngày kính Lòng Chúa Thương Xót vào chúa thứ II Phục sinh là dịp để chúng ta cùng nhau bày tỏ niềm tín thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nhắc nhở nhau sám hối, đổi mới đời sống, biết luôn thương xót những người nghèo khổ, tội lỗi, phải biết yêu thương và đem lại sự sống mới cho người mình yêu.
Thánh lễ
Trước thánh lễ, anh Giuse Bùi Tuấn Minh, trưởng ban chấp hành LCTX TGP TPHCM dâng lên Chúa lời cầu nguyện và những lời khấn của cộng đoàn tham dự Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót.
Sau đó, đoàn rước từ từ tiến lên lễ đài, đi đầu là đội trống của giáo xứ Tân Thái Sơn, kế tiếp là Thánh Giá nến cao, cờ hiệu LCTX TGP, cờ hiệu và đại diện cộng đoàn LCTX các giáo hạt trong TGP, kiệu Tượng Lòng Chúa Thương Xót, các thày phó tế, quý cha và Ba Đức Cha đồng tế. Trong lúc rước kiệu cộng đoàn hát và vỗ tay cùng cử điệu nhịp nhàng “Chào mừng chào mừng hoan hô…” cùng tiếng trống dồn dập hùng tráng để chào mừng đại lễ, quý cha, quý đức cha đồng tế.
Dẫn vào thánh lễ, Đức Cha chủ sự cầu nguyện cùng Chúa cho tất cả chúng ta được cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa đối với cuộc đời của chúng ta, xin Chúa để cho chúng ta trở nên những nhân chứng, những người loan báo lòng thương xót của Chúa cho tất cả mọi người, những người đau khổ phần xác, cũng như phần hồn, những người tội lỗi dưới mọi hình thức. Xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thế giới, vì hy lễ vô song của Chúa Giêsu trên thập giá được tái diễn trên bàn thờ hôm nay.
Trong thánh lễ, Đức Cha Cosme chia sẻ khái quát sự sùng kính LCTX tại Giáo phận Bắc Ninh và sự giúp đỡ của nhóm LCTX TGP TPHCM, ngài kết luận: Chúng ta được Chúa sai đi giúp mọi người hiểu được  lòng thương xót của Chúa, đó là sứ điệp rất quan trọng của thế giới tục hóa ngày hôm nay.
Chúng ta biết do hậu quả của nguyên tội, con người không nhiều thì ít trở thành vô cảm trước những đau khổ của đồng loại. Các Mác đã nói: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với những nỗi đau của đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”. Thực tế trên Thế giới ngày nay và cả ở Việt Nam chúng ta không thiếu những người như thế.
Thế giới ngày nay đầy những Tôma, như chính chúng ta tin, nhưng đôi khi cũng phải xin thêm đức tin. Ngày hôm nay, bao nhiêu người vẫn chờ mong những vết đinh, những dấu đâm ở cạnh sườn Chúa là Hội Thánh, đặc biệt là chứng tích về lòng thương xót .
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Chính lòng thương xót mới có sức biến đổi thế giới này”. Gương Đức Thánh Cha, khi làm Giám mục, ngài đã lấy khẩu hiệu “Ngài được Thiên Chúa thương xót và tuyển chọn.”
Chúng ta cùng hiệp nhau cầu xin Chúa: vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin Cha thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi đáng thương, và toàn thể thế giới đầy những con người đáng thương cả phần xác cũng như phần hồn. Vì máu châu báu của Chúa Giêsu, xin Chúa Cha Nhân Từ thương xót tất cả chúng con. Amen.
Trước khi Kết thúc thánh lễ, Đức Cha chủ tế đã làm phép ảnh LCTX trên tay cộng đoàn. Các Đức Cha đồng tế đã ban phép lành toàn xá của Thiên Chúa cho những người tham dự thánh lễ hôm nay có đủ điều kiện thông thường và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
“Bao la tình Chúa yêu con…” được vang lên từ ca đoàn của cộng đoàn LCTX TGP TPHCM, một ca đoàn chuyên phục vụ trong thánh lễ kính LCTX vào lúc 15 giờ ngày thứ sáu hàng tuần, tại nhà thờ giáo xứ Tân Định, đã khép lại ngày Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2013 của TGP TPHCM.
Kết thúc, mặc dù tham dự rất đông, nhưng mọi người ra về trong trật tự và bình an.

Đôi nét về sự phát triển phong trào Lòng Chúa Thương Xót
Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phóng Hiển Thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000. Từ đó, phong trào sùng kính Lòng Chúa Thương Xót lan tỏa trên khắp thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Riêng tại Thành Phố Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2001 đã có những cá nhân, nhóm nhỏ đã tổ chức đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót tại gia đình và một vài đoàn thể công giáo tiến hành. Nhờ được ơn lành của Chúa ban cho cách nhãn tiền, nhiều giáo dân đã làm nhân chứng và giới thiệu kinh LCTX cho anh chị em chung quanh.
Vào quý IV-2006, được sự đồng ý của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa và Đức cha Antôn Vũ Huy Chương - Giám mục Giáo phận Hưng Hóa (lúc bấy giờ), đại diện nhóm  LCTX Sài Gòn đã đến từng Giáo phận chia sẻ, cùng tặng sách, ảnh về LCTX cho quý cha, giáo dân sở tại.
Tháng 4/2007,  nhận lời mời của Cha chánh xứ, tại nhà thờ giáo xứ  Chí Hòa, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã chủ sự dâng thánh lễ LCTX đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, có trên 5000 người từ trong và ngoài TGP TPHCM tham dự thật sốt sắng.
Tại TGP TPHCM,  Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót lần đầu tiên được tổ chức tại TTMV, vào tháng 3/2008, do  Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường chủ tế thánh lễ. Ngày 01/6/2008, Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM đã đồng ý cho thành lập cộng đoàn LCTX của TGP, ngài đã trao cho Linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, Đại diện Giám mục đặc trách tông đồ giáo dân, chánh xứ  giáo xứ Tân Định làm Tổng Linh hướng. Từ đó đến nay, hằng năm cứ vào ngày chúa nhật thứ II Phục sinh, cộng đoàn LCTX của TGP đều tổ chức Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót tại TTMV.
Tháng 01/2011, nhân dịp lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, tượng LCTX cao 2,5 m đã được làm phép và đặt tại Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang.
Nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của Quý bề trên, đến nay đã có Tổng Giáo phận TPHCM và Huế, các Giáo phận: Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Thanh Hóa, Bùi Chu, Hưng Hóa, Bắc Ninh đã thành lập cộng đoàn LCTX.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét