Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Con Người phải được giương cao


Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
(Ga 3, 13-17)
SUY TÔN THÁNH GIÁ
Nhìn vào mối lợi thu từ khách hành hương. Các nhà kinh doanh ngành du lịch đã có sáng kiến đầu tư xây dựng một cây thánh giá cao 60m, làm với 7,2 triệu viên gạch tại Nagiaret hồi tháng 7. 2007.
Thánh giá không chỉ là biểu tượng tôn giáo, mà còn là quà trang sức cho nhiều người và là nguồn lợi nhuận cho nhà làm kinh tế. Thế nhưng, thánh giá không chỉ phục vụ cho con người ở bề ngoài, mà còn phục vụ cả bên trong cho tất cả những ai muốn tìm về cùng đích đời mình. Thánh giá này không chỉ phục vụ cho đời này mà còn cho cả đời sau.
Muốn vậy, ta cùng chiêm ngắm thánh giá của Chúa Giêsu. Câu truyện tuy đã hơn 2000 năm nhưng vẫn còn mới, rất thời sự. Chuyện là ở đồi Gôngôtha, con người đã dựng nên một cây thánh giá cùng một thanh niên can đảm chịu chết. Thánh giá này cũng thu hút rất nhiều khách hành hương.
Họ không chỉ tìm đến vì hiếu kỳ để xem cho vui mắt, mà còn khao khát tìm kiếm ý nghĩa thật của thánh giá. Và nhiều triệu linh hồn cũng đã tìm được thánh giá thật của Chúa Giêsu, thánh giá tình yêu. Và sẽ còn nhiều người tìm đến nữa.
Họ không chỉ tìm đến Nagiarét như một nhà nghiên cứu lịch sử để biết thêm thông tin về một nhân vật nổi tiếng, mà còn tìm đến đây để chiêm ngắm một vùng đất nhỏ bé, nhưng lại rất thánh. Vùng đất được chọn để Con Thiên Chúa đặt chân bắt đầu cho hành trình ban phát ân sủng và cứu độ con người. Điều họ muốn tìm là một Nagiarét thật, ấy là Nước Trời.
Họ không chỉ tìm đến một Giêrusalem vui tươi náo nhiệt hồi Chúa Giêsu 12 tuổi, mà còn cùng đi với Ngài vào con đường khổ nạn, ấy là chấp nhận vâng theo thánh ý Chúa Cha.
Họ không chỉ tìm đến ngọn đồi cao để hóng mát, ngắm trăng, mà nhiều người đã trèo được tới đỉnh đồi Gôngôtha, đã chạm được tới thánh giá, ấy là thánh giá tình yêu Chúa Giêsu.
Họ tìm đến Nagiarét, đến Giêrusalem, đến đồi Gôgôtha, tìm đến thánh giá Chúa Giêsu, và nhờ thế nhiều người đã được giải thoát. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Lên với Tôi là ở đâu? Đó chính là tình yêu cứu độ, tình yêu giải thoát, là Thiên Chúa. Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Nhìn vào hình ảnh Chúa Giêsu vác thánh giá thì nặng thật. Và nếu nhìn kỹ, ta còn thấy nặng hơn sức tưởng tượng của con người. Thánh giá trên vai Ngài không chỉ bằng cây bằng gỗ, mà là cả triệu triệu linh hồn đang và luôn đè nặng trên vai Ngài.
"Chính Người vác lấy thánh giá  đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thánh giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thánh giá; bảng đó có ghi: "Giêsusu Nagiarét, Vua dân Dothái" (Ga 19,17-20).
Thánh giá, tình yêu vĩ đại
Ta vẫn nghe nói: ai lại làm thế, dại gì phải thiệt thân, hao tổn sức khoẻ, tiền bạc. Làm thế là ngu si. Thì ra, con người tính toán với tình yêu cũng giống như làm ăn kinh tế. Coi tình yêu là một thứ để trao đổi, mua bán cho đôi bên cùng có lợi. Còn hy sinh vì lẽ công chính, vì tình nghĩa, quên mình phục vụ vô vị lợi ư, nhiều khi bị coi là dại khờ.
Nói đến thánh giá là nói đến tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng nhìn theo kiểu con người, của một số người thì chẳng lớn lao gì, mà là điên rồ. Người xưa cũng nói như vậy. Thánh Phaolô cho biết: “trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1, 22).
Từ thánh giá, với bản tính con người, chắc chắn Chúa Giêsu cũng cảm nghiệm về sự độc ác, tàn nhẫn của nhân loại, cũng như cái mỏng giòn yếu đuối và bất biến của kiếp người. Rồi cũng nhận thấy cái đấu tranh phản loạn mạnh mẽ của sự dữ đang ngày đêm rình rập tấn công Ngài và con cái ánh sáng. Nhất là khi thực hiện chương trình cứu độ của Cha. Kế hoạch cứu độ bằng đường đau khổ.
Không phải đau khổ cứu độ, mà là tình yêu giải thoát. Đau khổ và sự chết tự nó không là gì, nhưng là tình yêu. Tình yêu phát sinh sự sống từ đau khổ. Đau khổ gắn liền với Chúa Giêsu. Không những lúc Ngài còn sống, mà những vết tích từ cuộc khổ nạn còn kéo dài mãi, không xoá nhoà, bởi đó là bằng chứng tình yêu cụ thể nhất của Ngài.
Quả  thật, thánh giá Chúa Giêsu làm cho con người khó hiểu và cho đó là điên rồ. Lý do bởi đâu? Đơn giản, vì không ai yêu thương con người như Ngài, yêu đến cuồng si.
Thánh giá và cám dỗ
Xưa, ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu. Chúng không ngăn cản việc cứu độ nhân loại của Ngài, nhưng cho Ngài thấy không cần phải chịu đau khổ, không cần vác thánh giá, không cần phải chết ô nhục. “Quỷ đem Ngài lên một ngọn núi cao và chỉ cho thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc từ các nước ấy” (Mt 4,8).
Rồi còn cám dỗ Ngài cứu độ bằng quyền năng và sức mạnh sẵn có nơi mình. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi” (Mt 4,3). “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống đi. Vì đã có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,6).
Nhưng những điều đó ngược với tình yêu, bản chất của Thiên Chúa. Vì tình yêu mà Ngài chấp nhận chịu thương tích.
Nay, con người cũng không thoát ra khỏi những hình thức cám dỗ ấy. Nghĩa là tìm cách tránh né thánh giá. Nhất là khuynh hướng đặt nặng tính hiệu năng trong một thế giới thực dụng, phò hưởng thụ làm cho người ta quên dần, xa tránh và tẩy chay thánh giá. Nhất là lại có một thứ tôn giáo biểu dương thánh giá. Còn con người thì ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh. Dù hy sinh ấy phục vụ cho sự sống của xã hội hay Giáo hội.
Văn minh hưởng thụ dường như đã chiếm được ưu thế: đã có chỗ đứng trong mọi cuộc làm ăn giao dịch và đã bén sâu vào lòng nhiều người. Thực dụng và hưởng thụ giống như hạt giống rơi vào đất tốt, ấy là lòng người. Chính tư tưởng tai hại này làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, đến truyền thống đạo lý. Nó sẽ cào bằng mọi giá trị trong cuộc sống: vật chất, tinh thần, tình bạn, tình hiệp thông, tình nghĩa, tình yêu, lòng bao dung tha thứ; cào bằng các thụ tạo với nhau, các thụ tạo với Thiên Chúa.
Con người tìm cách để tôn vinh chính mình, thay vì Thiên Chúa. Con người ca tụng, phục vụ và tôn thờ nhau, thay vì thờ phượng một mình Thiên Chúa, Đấng dựng nên ta. Nhân loại thích được cứu độ, được vinh quang, được nước trời, được Thiên Chúa, nhưng lại không chấp nhận đổi bằng mồ hôi và nước mắt, hy sinh và phấn đấu, từ bỏ và hiến mình, chịu đựng và nhẫn nại, tin tưởng và hy vọng... Con người muốn có mọi sự tốt lành nhưng lại đòi đi trên con đường thênh thang trải thảm, lát hoa hồng. Bằng chứng cho thấy :
- Nhiều người muốn vào nước trời, nhưng không muốn vác thánh giá với Chúa Giêsu.
- Nhiều người muốn được Ngài an ủi đỡ nâng, nhưng ít ai chịu cùng thử thách với Ngài.
- Nhiều người muốn dự tiệc trong nước Ngài, nhưng ít ai muốn chịu thiếu thốn với Ngài.
- Nhiều người muốn hạnh phúc với Ngài, nhưng ít ai sẵn lòng chịu mọi sự khó giống Ngài.
- Nhiều người muốn hưởng vinh quang, nhưng lại không dám uống chén đắng với Người.
Con người luôn bị cám dỗ để đi tìm một Giêsu không thánh giá. Vì thế con người gặp toàn thánh giá mà không thấy Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cho biết về ngài: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài một Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá”(1Cr 2,2). “Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10). “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).
* Thánh giá không phải là cùng đích, mà là cửa dẫn vào sự sống. Nếu muốn chiếm được sự sống muôn đời, người ấy phải trở nên “đồng hình đồng dạng với” Chúa Giêsu. Ngài là Hy tế, Đấng “đã tự thể hiện mình là tư tế, là bàn thờ, và là con chiên”. Thánh Phaolô nói rất đúng: “ta hãy cùng sống, cùng chịu đau khổ, cùng chịu đóng đinh, cùng chịu chết, cùng được mai táng thì cũng sẽ được cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,17; Gl 2,19; Ep 2,6; 2Tm 2,11-12).
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét