Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Lưu tài liệu

Tuổi trẻ, Chủ Nhật, 12/12/2010, 05:02 (GMT+7)
Bát cháo ấm lòng
TT - Những bát cháo đến tay người bệnh nghèo mỗi sáng. Những bát cháo làm ấm lòng người nhận. Người dân yêu mến đặt tên “Câu lạc bộ cháo” cho nhóm những cụ già đã góp tiền lương hưu, tiền quà của mình để đều đặn năm năm qua nấu những nồi cháo tặng bệnh nhân nghèo tại một bệnh viện ung thư ở Hà Nội.
- Chuyện đẹp quá, cứ như cổ tích. Bát cháo còn làm ấm lòng cả tôi, người Sài Gòn nghe chuyện Hà Nội. Ông kể câu chuyện này để tôi lấy lại niềm tin sau khi nghe quá nhiều chuyện các ông bà thừa tiền lắm bạc vô tư “xù” tiền từ thiện, đúng không?
- Để ông bạn yên tâm những người giàu lòng nhân ái còn nhiều lắm. Họ thầm lặng bền bỉ trong nhiều năm qua và sẽ còn mãi nhiều năm tới, giúp đỡ chia sẻ với những số phận khó nghèo hoạn nạn. Không huênh hoang, khoa trương, không “nổ”, những tấm lòng nhân ái bình dị đó hòa vào dòng đời, đi cùng những người bất hạnh.
- Đúng là tôi có “sốc” về những trò háo danh kệch cỡm, lố bịch của một số ông bà thừa tiền, thiếu... nhân cách! Đúng là tôi có chút buồn, sao mà người ta lại có thể... tệ đến thế, lấy lòng nhân ái và số phận người nghèo ra làm phương tiện kiếm danh và kiếm tiền? Nhưng rồi tôi hiểu rằng họ không phải là tất cả, và rằng còn rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng nhân ái và mỗi ngày càng thêm nhiều những người sẵn sàng chia sẻ với bà con nghèo hoạn nạn. Những câu chuyện đẹp như cổ tích vẫn đang được tiếp tục viết ra...
 
******************************
Thứ Hai, 15/11/2010, 08:07 (GMT+7)
Giáo viên giỏi... “quay”
TT - Vừa qua, một quận nội thành TP.HCM đã tổ chức cuộc thi “Giáo viên giỏi cấp quận” cho các cấp học với mục đích đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực cán bộ cốt cán và tôn vinh “danh hiệu giáo viên giỏi” chào mừng ngày 20-11 hằng năm. Thế nhưng có nhiều điều làm mất đi sự công bằng, nghiêm túc của cuộc thi.
Để trở thành một giáo viên giỏi, thí sinh phải trải qua hai vòng thi lý thuyết và thực hành. Nếu ai đạt lý thuyết từ 8 điểm trở lên mới được thi thực hành. Các sĩ tử đi thi rất chỉn chu, bảnh bao về hình thức. Nhưng về “nội dung” một số thí sinh chỉ trông chờ vào copy bài. Những “thước phim” được “đạo diễn” rất công phu và cả những bài làm sẵn được viết rõ ràng, đầy đủ, đem vào phòng thi và quay rất sành điệu. Thậm chí các tài liệu còn được ném cho nhau. Tôi tự hỏi đó là giáo viên giỏi hay giáo viên “giỏi quay”?
Thế nhưng, trước việc làm trớ trêu như vậy trong phòng thi ai cũng thấy, riêng  giám thị cứ làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi cán bộ toàn ngành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động “hai không”, trong đó có các nội dung: không gian lận trong thi cử, không bệnh thành tích, không vi phạm đạo đức nhà giáo... Liệu những giáo viên giỏi trong kỳ thi này nếu được công nhận có thật sự xứng đáng hay không?
Liệu mục đích cuộc thi này đã đạt chưa hay cũng chỉ lấy thành tích để báo cáo cho hay, cho tốt?
THU DUNG (TP.HCM)

    *************************************

Trục lợi từ nỗi đau người khác   Thứ ba, 04/01/2011 06:51    
(CATP) Từ ngày cháu Minh Thành (13 tuổi) bỏ nhà đi đến nay, chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1969, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) sống trong héo mòn vì thương nhớ con. Chị đã bỏ nhiều công sức đi tìm nhưng không có kết quả nên phải đăng báo tìm con và luôn thấp thỏm mong chờ người báo tin vui. Một tối, đang thẫn thờ bên bàn học của con, chị Tâm nhận được điện thoại của một người đàn ông lạ báo tin về bé Thành. Như sắp chết đuối vớ được phao, chị Tâm vội vàng hỏi thăm về con trai, nhưng máy bên kia bất ngờ “tút... tút” rồi im lặng. Chủ động gọi lại không được, chị Tâm càng nóng lòng.
Khoảng một giờ sau, người đàn ông liên lạc lại bằng số máy khác và cho biết ông ta rất muốn cung cấp thông tin tung tích bé Thành nhưng khổ nỗi điện thoại di động hết tiền, phải mượn đỡ máy của đồng nghiệp chạy xe ôm nên không thể nói nhiều, rồi tắt máy. Chị Tâm gọi lại, người đàn ông bảo: “Để khỏi phiền người khác, nếu được chị nạp vào máy cho tôi ít tiền rồi chúng ta nói chuyện thoải mái”. Không đắn đo, chị Tâm vội chạy ra cửa hàng bán card gần nhà “bắn” vào điện thoại cho người đàn ông lạ 200.000 đồng. Ngay sau đó, ông Hùng - tên người báo tin vui miêu tả về nhân dạng bé Thành khá chi tiết và hứa sẽ dẫn chị đến nơi cậu quý tử đang ở. Hôm sau, chị Tâm liên lạc lại với ông Hùng để được đưa đi đón con thì máy của ông ta lại... hết tiền! Rút kinh nghiệm, lần này chị Tâm mua card 500.000 đồng “bắn” vào máy ông Hùng. Xong, chị Tâm liên lạc với ông Hùng thì máy luôn ngoài tầm phủ sóng.
Vợ chồng xảy ra chuyện bất hòa nên chị Lương Thục Nhi (SN 1971) bỏ nhà ra đi vào tháng 8-2010. Từ ngày thiếu vắng vợ, cơn nóng giận nguôi ngoai, anh Tô Hữu (SN 1970, cùng ngụ Q6) thấy có lỗi nên chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm, nhưng vô vọng. Không còn cách nào khác, anh đăng báo tìm vợ. Ít ngày sau, anh Hữu nhận được điện thoại của một thanh niên cho biết vợ anh đang ở chỗ nào. Mừng hơn bắt được vàng, anh Hữu năn nỉ anh ta giúp đỡ. Tại quán cà phê theo lời hẹn, anh ta nại hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn và gợi ý anh Hữu hậu tạ 2 triệu đồng công... đọc báo! Muốn nhanh chóng gặp mặt vợ, anh Hữu không ngần ngại móc hầu bao rồi cùng nhau lên đường. Đến cửa chợ Phú Lâm (Q6), anh thanh niên bảo anh Hữu đứng đợi để vào trong kêu chị Nhi ra. Đợi mãi không thấy bóng dáng vợ và “người tốt bụng” quay lại, anh Hữu nhận ra mình đã mắc lỡm.
Lợi dụng thông tin nhân đạo để trục lợi là chiêu lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây. Nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này đã gọi điện, viết thư đến Báo CATP nhờ cảnh báo cho những ai có hoàn cảnh tương tự cần đề cao cảnh giác.
    H.T
************************************
Tự thú sau 25 năm lẩn trốn   Thứ năm, 06/01/2011 06:56    
Trốn khỏi trại giam, Đinh Thế Trị (SN 1948, trú xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) đi biệt xứ, thay tên đổi họ và cưới vợ, sau đó có hai con. Nhưng lúc nào Trị cũng cảm thấy lương tâm cắn rứt, tinh thần bất ổn nên đã quyết định trở về tự thú tại phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP), Công an tỉnh Quảng Bình sau 25 năm trốn tránh pháp luật để mong có được giây phút bình yên thật sự.

Đinh Thế Trị đến đầu thú tại Công an Quảng Bình hôm 31-12-2010
THAY TÊN ẨN TÍCH
Một ngày cuối tháng 12-2010, một người đàn ông nhỏ nhắn, tuổi đã quá trung tuần rụt rè đến phòng CSTNTP, Công an tỉnh Quảng Bình để xin tự thú. Lật lại hồ sơ vụ việc từ 25 năm trước vào ngày 16-6-1983, Đinh Thế Trị đột nhập vào cửa hàng Công nghệ phẩm Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) lấy trộm một số tài sản thì bị Công an huyện Bố Trạch bắt giữ. Ngày 19-6-1983, Trị trốn khỏi trại tạm giam vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không kiếm được nghề gì sinh sống qua ngày, Trị lại tiếp tục thực hiện “phi vụ” trộm tại cửa hàng Công nghệ thực phẩm Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên, và bị Công an huyện Phú Lộc bắt giữ. Ngày 26-7-1985, Trị đã bị TAND tỉnh Bình Trị Thiên tuyên phạt 7 năm tù giam. Quá trình chấp hành án tại trại giam Đồng Sơn (Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an) ở Quảng Bình, Trị cải tạo tốt, tuy nhiên chỉ vì tiếc nuối “đời trai” nên trong một lần đi chặt cây để làm nhà của trại, Trị đã lợi dụng sự sơ hở bỏ trốn.

Vào Tây Nguyên, Trị sống cuộc sống chui lủi, làm thuê làm mướn hết tỉnh này sang tỉnh khác để kiếm sống. Để che dấu tung tích Trị đổi tên thành Đỗ Thế Lâm, đăng ký cư trú tại xã Cư An, huyện Đắc Bơ, tỉnh Gia Lai và xin làm công nhân nhà máy gạch. Sau đó, Trị chung sống không hôn thú với một phụ nữ cũng là công nhân nhà máy gạch tại xã Cư An. Chừng ấy năm, Trị không bao giờ thổ lộ câu chuyện về quá khứ cho vợ con mình nghe. Cuộc sống của đôi vợ chồng làm thuê làm mướn cứ trôi đi, không hàng xóm láng giềng, không liên lạc về với gia đình nơi chôn rau cắt rốn. Biệt tích đằng đẵng mấy năm trời không thấy tin tức, người vợ trước và con của Trị ở quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) nghĩ rằng Trị đã mất tích. Thế rồi Trị bất ngờ trở về. 

ĐẦU THÚ ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG KHOAN HỒNG
Người tù trốn trại ra đầu thú vì nghĩ rằng mình không thể mãi trốn tránh được. “25 năm trời tôi chỉ biết chui rúc, trốn chạy, không giây phút nào thực sự có cảm giác yên ổn, sự dằn vặt về quá khứ phạm tội ngày một nhân lên, mong ngày nào đó được trở là chính mình. Giây phút hạnh phúc nhất là gặp lại người thân, gia đình vợ con mình ở quê hương và hạnh phúc hơn là hưởng được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội tự thú chính là cơ hội cho tôi được chuộc lại lỗi lầm của mình”, Trị bùi ngùi.

Cùng với căn cứ  luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và các văn bản Nhà nước có liên quan, xét thấy hành vi trộm tài sản của Đinh Thế Trị có thể xem xét miễn giảm; cùng với chính sách khoan hồng đối với người phạm tội tự thú nên Công an tỉnh Quảng Bình gửi công văn đề nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho Trị. Giờ đây chính sự khoan hồng của pháp luật đối với tội phạm tự thú, Trị đã trở lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn, tìm người thân và tìm lại chính bản thân mình để tiếp tục hướng về nẻo thiện.
   
**********************

Mớ rau cuối cùng
TTCT - Nhật ký à! Mấy hôm nay Hà Nội lạnh quá, đã khoác mấy lần áo mà đi ngoài trời vẫn cảm nhận được cái rét thấu vào da thịt. Quá 12 giờ trưa, lập cập rời thư viện tìm vội cái gì nhét vào bụng, chợt bắt gặp một dáng hình nhỏ thó, một dáng hình nhà quê lọt thỏm giữa lòng phố thị.


Ảnh: H.G.
Bà lão thấp bé, da đồi mồi, bận vào mình có lẽ nhiều lớp áo với ba cái khăn len nhưng vẫn run rẩy với thời tiết này. Trên đôi vai gầy của bà là chiếc đòn tre, một bên là cái bị, một bên là đùm rau muống buộc sơ sài bằng mấy sợi dây nilông.
Đã 85 tuổi nhưng bà vẫn dậy lúc 5 giờ sáng hái đôi, ba chục mớ rau muống sạch rồi tất tả ra xe buýt từ Hưng Yên về Hà Nội. “Rau ở quê rẻ mà nhà ai cũng có nên chả bán được cho ai, lật đật về Hà Nội may ra kiếm được đôi ba đồng góp tiền đóng học phí cho đứa cháu mồ côi đang học lớp 12” - tiếng bà lão nghèn nghẹn trong gió đông.
Chợt một phụ nữ trung niên đi xe Attila tấp vô lề đường, ngồi xổm, tay bốc mớ rau: “Bà còn mấy mớ đây? Để cháu mua nốt cho bà về sớm, kẻo lạnh”. Hóa ra chị này là khách quen của bà lão.
Chợt thấy lòng ấm lại giữa mùa đông giá rét. Đâu phải khăn choàng, áo lạnh mà chính tình người đã sưởi ấm trái tim ta, làm tan biến cái giá lạnh của mùa đông rét buốt, phải không nhật ký?
HOÀNG GIANG

        Bài giảng của Đức cha Giuse Võ đức Minh, giám mục Giáo phận Nha Trang, trong ĐHGĐPTTTVN 2010.
                   Kính thưa các cha và anh chị em trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu rất thân mến.
                   Bầu khí của sự gặp gỡ, hội ngộ của chúng ta chiều hôm nay qua lời Chúa và Thánh Thể Chúa Giêsu thật hết sức ý nghĩa. Lời Chúa cho chúng ta hình ảnh của Chúa Giêsu vị mục tử tốt, vị mục tử nhân lành. Có thể nói, không thể nào tưởng tượng được, không thể nào khám phá cho hết tình yêu thương lạ lùng nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Dụ ngôn về 100 con chiên, trong đó 99 con chiên ngoan, một con chiên lạc. Lẽ ra, con chiên lạc chỉ có thiểu số rất ít, còn 99 con chiên ngoan có thể phát triển phong phú bù đắp cho 1 con chiên lạc. Vậy mà, Chúa Giêsu lại nói: Người mục tử tốt để 99 con chiên ngoan trong rừng, đi tìm con chiên lạc. Điều làm cho chúng ta hết sức khó hiểu, và ngay như anh em Linh mục chúng tôi trong đời sống phục vụ, hiểu được điều này, nhưng cảm thấy cam go biết bao khi nỗ lực tìm con chiên lạc. Và từ câu chuyện này, chúng ta thấy Thánh Luca tiếp nối để giải thích cho chúng ta dụ ngôn một người mẹ trong gia đình, có 10 đồng bạc, làm mất 1 đồng. Bà quét nhà, dồn tất cả sức lực tìm cho ra đồng bạc mất đó. Và khi tìm ra rồi, mời bạn bè chung quanh tới để chia vui với mình. Có thể bà làm tiệc vì tìm ra 1 đồng bạc đã mất. Nếu xét về phí tổn, thì chắc là bữa tiệc lớn hơn đồng bạc đã mất mà được tìm thấy. Và cũng tiếp nối trong dòng ý tưởng đó, chính Chúa Giêsu nói về dụ ngôn người cha tốt lành có 2 người con. Người con cả cứng cỏi, người con thứ hoang đàng. Vậy mà khi người con thứ trở về, người cha vui mừng cho đến độ không để ý đến tội lỗi của nó nữa, mà phục hồi phẩm giá cho nó, rồi còn sai gia nhân ra chuồng bắt con bê béo nhất vào làm tiệc ăn mừng. Điều đó làm cho người con trưởng là người anh phải bị sốc. Nó là thằng hoang đàng, tại sao cha lại đối xử với nó bằng tất cả niềm vinh dự dành cho nó, vì nó trở về.
              Kính thưa anh chị em, chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết, và khi chúng ta đã nghe những dụ ngôn này về tinh yêu thương của Thiên Chúa, thì chúng ta dần dần mới khám phá ra tại sao Chúa Giêsu đã đến trong thế gian. Ngài đến trong thế gian, sinh từ lòng Mẹ Maria trinh nữ Nazaret, để nói cho nhân loại biết rằng: Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương loài người, yêu thương cho đến độ không bao giờ muốn mất 1 người nào. Ba dụ ngôn mà chúng ta đã nghe trong bài Phúc Âm. Chúng ta cùng suy niệm với nhau để khám phá ra tình yêu thương lạ lùng của Thiên Chúa dành để cho chúng ta. Do đó, càng cảm mến tình yêu thương mà Chúa Giêsu  đem đến cho chúng ta. Chúng ta không biết phải diễn tả như thế nào, và khi đã xuất phát từ yêu thương thì luôn luôn có những sáng kiến để tỏ bày tình yêu thương. Ngài đã vì yêu thương, yêu thương cho đến cùng khi lập Bí tích Thánh Thể, thì dâng trao thân mình, máu mình cho mọi người cho đến tận thế. Ngài chấp nhận ngay cả nhiều khi bị xúc phạm, ngay cả những sự phản bội trong Bí tích Thánh Thể. Bởi vì xuất phát từ tình yêu thương, Chúa Giêsu không tính toán, đã yêu thương là yêu thương, và yêu thương cho đến độ chấp nhận ngay cả sự tự hủy của mình. Hình ảnh Chúa Giêsu ở giữa các Thánh Tông đồ, quỳ xuống rửa chân cho mỗi tông đồ, hành vi quá sức là khiêm tốn, hành vi tự hạ, tự hủy bản thân của mình. Chính vì yêu thương, Ngài chấp nhận tất cả. Rồi cũng chính trong tình yêu thương, Chúa Giêsu thiết lập Thiên chức Linh mục. Anh em chúng tôi, đều là những con cái từ các gia đình,  trong các giáo xứ, là người con của các gia đình, cha mẹ, ông bà, những người thân thuộc của chúng tôi, hiểu rõ những giới hạn của mỗi người anh em Linh mục chúng tôi. Và bản thân chúng tôi qua năm tháng trong đời sống Linh mục, cũng hiểu rõ khát vọng của mình muốn thuộc về Chúa. Nhưng như lời Thánh Phaolo nói: Mình chỉ là bình sành dễ vỡ, nhưng chứa đựng kho tàng vô giá là Đức Giêsu Kitô. Vậy mà trong tình yêu thương, Chúa Giêsu đã không ngần ngại truyền chức Linh mục cho các Thánh tông đồ, thiết lập chức Linh mục và còn dậy rằng: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Phát xuất từ tình yêu thương, chức Linh mục đã có trong Hội Thánh của chúng ta. Trải qua thời gian với biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu thăng trầm trong giáo hội, chức Linh mục vẫn là dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu dành để cho thế gian, dành để cho mọi người. và Linh mục, dầu là những con người giới hạn, dầu là những con người yếu hèn, và ngay cả nhiều khi vấp ngã. Vậy mà, Linh mục vẫn có quyền để nói rằng: Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Những lời đó, những mệnh lệnh đó không phải là phát xuất từ người quyền cao chức trọng, nhưng phát xuất từ tình yêu thương nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, để nói được lời tha thứ, Chúa Giêsu đã phải chịu chết trên Thánh Giá. Chính Máu Thánh của Ngài đổ ra để nên ơn tha tội cho mọi người. Vì thế, anh em Linh mục của chúng tôi được thánh hiến trong chức Thánh Linh mục, được cử hành Bí tích Thánh Thể để có Chúa Giêsu ở giữa Hội Thánh, để có thể chia sẻ Chúa Giêsu cho tất cả mọi người, và anh em Linh mục chúng tôi có thể giơ cao chúc lành, nói lời tha tội thì luôn luôn nhân danh Chúa Giêsu, nhân danh tình yêu thương của Thiên Chúa và để thấy rằng, để có nói lời tha tội, hàng Linh mục cũng phải giống như Chúa Giêsu vác Thánh giá liên lỉ hằng ngày trong chính cuộc sống của mình. Và rồi phát xuất từ tình yêu thương, Chúa Giêsu ban giới luật Bác Ái yêu thương. Như Chúa Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương chúng con, chúng con phải yêu thương nhau. Và Khi chúng con yêu thương nhau, thì thế gian mới nhận ra chung con là môn đệ thật của Thầy. Và tình yêu thương mà Chúa Giêsu đem đến cho thế gian, đó là  không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người từ bỏ sự sống của mình, từ bỏ mạng sống của mình, từ bỏ ngay cả phẩm giá của mình để phục vụ người mình yêu thương.
               Do đó, kính thưa anh chị em, tình thương của Chúa Giêsu phát xuất từ Thánh Tâm của Ngài lớn lao quá sức và để lại những dấu chỉ rất là cụ thể nơi Thánh Thể, nơi Lời Chúa với hàng Linh mục, nơi giới luật bác ái yêu thương. Vậy mà, trải qua thời gian biết bao nhiêu người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, coi thường Chúa Giêsu, coi thường tình yêu của Thiên Chúa và thậm chí ngay cả đối với Chúa Giêsu đến trong thế gian, không lấy cái gì của thế gian, không tước đoạt cái gì của thế gian, chỉ có thể yêu thương và phục vụ mà thôi. Vậy mà, khi Ngài bị treo trên Thập giá còn bị sỉ nhục, bị coi thường, bị kết án: Nếu quả thật mày là Đức Kitô, nếu quả thật mày là con Thiên Chúa, mày bước xuống khỏi thập giá để cho chúng tao được tin. Và rồi, để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Hội Thánh của Chúa, qua dòng lịch sử chỉ nói lên tình yêu thương và tinh thần phục vụ như các thánh tông đồ, vậy mà thế gian vẫn không những xúc phạm, sỉ nhục, chà đạp và thậm chí khai trừ. Thánh Phêrô cũng phải bước lên thánh giá, thánh Phaolo cũng phải kê đầu cho người ta cắt cổ, và ngay cả thánh Batôlômêô tông đồ cũng phải đứng yên cho người ta lột da. Để làm gì, để nói rằng chúng tôi không tin vào Thiên Chúa, chúng tôi khai trừ, hành hạ những người nói về Thiên Chúa ở giữa chúng tôi. Không phải chỉ là chuyện năm xưa, mà trong đời sống biết bao nhiêu người như thế. Mới đây, tôi được tin ở Afghanistan, một nước gặp thử thách rất nhiều, như có 2 em bé cầm cuốn Kinh Thánh Tân Ước, vậy mà người ta giám kết tội, phạt xử tử 2 em bé đó vì cầm cuốn Kinh Thánh. Thấy lạ, như tôi được biết, ở một số nước bên vùng Trung Đông, một Linh mục và ngay cả Giám mục nếu rửa tội cho một người tân tòng thì không những sinh mạng bị đe dọa mà nơi cử hành phục vụ như thế có thể bị đốt, bị tiêu hủy. Những xúc phạm đến tình yêu thương của Thiên Chúa thật là lớn lao. Nói gì, ngay cả những con người trong xã hội ngày hôm nay, và ngay cả những con người thậm chí mang danh là Công giáo, là tín hữu của Chúa và ngay cả là Linh mục cũng giám xúc phạm đến Đức thánh cha, đến Tòa Thánh, đến Hội đồng Giám mục, đến các Giám mục, đến các Linh mục và Hội Thánh chúng ta. Những điều này không phải vì chúng ta bảo vệ những quyền lợi của mình, nhưng mà như đã nói: Phát xuất từ tình yêu thương nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, mới có Hội Thánh của chúng ta, mới có Đức Giáo Hoàng, mới có Tòa Thánh, mới có hàng Giám mục, mới có hội đồng Linh mục, mới có những người có chức Thánh trong thiên chức Linh mục. Những xúc phạm đến những con người có chức Thánh vẫn là xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và ngay như tu sĩ, tín hữu, giáo dân chúng ta tuy không có chức Thánh, nhưng đã được thánh hiến qua bí tích Rửa tội. Anh chị em cũng như tất cả chúng tôi đều gọi Thiên Chúa là Cha bởi nhờ Đức Giêsu Kitô. Vậy mà! bị mang danh con cái của Thiên Chúa, biết bao nhiêu người trong chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu thử thách và cam go.
                    Do đó, Thưa anh chị em, thật là tuyệt vời khi trong Hội Thánh nẩy sinh ra lòng đạo đức của việc phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Phạt tạ không phải vì mình đã xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa, phạt tạ bởi vì biết bao nhiêu người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa, xúc phạm đến những con người, đến những cơ cấu, đến những hành vi, đến những Phụng tự mà từ Thánh Tâm Chúa Giêsu phát sinh ra. Vì vậy, đền tạ Thánh Tâm Chúa không phải chỉ là việc đạo đức riêng tư, không phải chỉ là việc đạo đức trong các gia đình mà thôi, nhưng đó là việc đạo đức có tầm vóc cả Hội Thánh chúng ta. Hội Thánh biết ơn Thiên Chúa, tri ân Thiên Chúa, Hội Thánh biết ơn Chúa Giêsu, đấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Để lại dấu chỉ cho tình yêu thương của Ngài, do đó Gia Đình Phạt Tạ không những chỉ quy hướng về một Chúa Giêsu mà thôi, mà con quy hướng về những gì mà Thánh Tâm Chúa Giêsu để cho chúng ta. Chúng ta phải yêu mến Đức Giáo Hoàng, đấng thay mặt cho Chúa Giêsu ở trần gian. Chúng ta phải hãy luôn luôn lắng nghe bình tĩnh và vâng phục Đức Giáo Hoàng.  Trong dịp chúng tôi đến chầu Đức Giáo Hoàng năm ngoái, Ngài đã hân hoan và ngỏ lời với các Giám mục Việt Nam,  khi Ngài nói rằng: Cha biết rất rõ Giáo Hội Việt Nam, luôn luôn trung thành với Giáo Hội của Chúa và đặc biệt trung thành với Đức Thánh Cha, yêu thương Đức Thánh Cha. Ngài nói lên điều này là Ngài nói rất rõ, dầu Ngài ở xa chúng ta, nhưng Ngài biết rõ về lòng của giáo hội Việt Nam chúng ta. Và rồi, Ngài muốn nói thêm, Ngài biết ơn lòng đạo đức của anh chị em giáo dân Việt Nam, luôn luôn kính trọng Bí tích Thánh Thể, tôn sùng Mẹ Maria, vâng phục trung thành với Đức Giáo Hoàng, và đồng thời trân trọng chức Thánh trong Hội Thánh của chúng ta. Ít có nơi nào như tại Việt Nam chúng ta, ơn gọi vẫn luôn luôn triển nở một cách lạ lùng. Tại sao vậy, người thì nói rằng vì các gia đình của chúng ta đạo đức, người thì nói rằng vì chúng ta phát sinh từ dòng máu các Thánh Tử Đạo. Nhưng đặc biệt, vì các gia đình của chúng ta có lòng đạo và luôn luôn kính trọng những người đi tu, kính trọng những người dâng mình cho Chúa, bởi vì tin vào Thiên Chúa, tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa, và như chúng ta có thể nói tin vào Thánh Tâm diệu hiền của Chúa Giêsu.
                   Kính thưa anh chị em, thật là cảm động khi chúng ta hiểu được tình yêu thương của Thiên Chúa, đặc biệt nơi Đức Giêsu Kitô và chúng ta càng hãnh diện vì chúng ta được mời gọi để tham gia vào Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm  Chúa. Chính vì việc đạo đức này, không phải chỉ làm theo thói quen, nhưng mà để đền bù những xúc phạm, những lỗi lầm về những điều chạm đến tình yêu thương của Chúa và cách riêng chạm tới những gì là Thánh: Thánh Thể của Chúa Giêsu, Lời Thánh của Chúa Giêsu, những người có chức Thánh trong Hội Thánh chúng ta. Tất cả những xúc phạm tới những gì là Thánh đều chạm tới Trái Tim của Chúa Giêsu. Chúng ta với những hy sinh, với lời cầu nguyện, với những điều nâng đỡ nhau, chúng ta cũng góp phần không phải chỉ để an ủi Chúa Giêsu. Bởi vì tôi nghĩ rằng: Chúa Giêsu không cần ai an ủi, Ngài đầy đủ tất cả, Ngài có Chúa Cha, Ngài ở trong vinh quang. Nhưng chúng ta phải an ủi Hội Thánh của chúng ta, an ủi những đấng bậc ở trong Hội Thánh của chúng ta, an ủi những chủ chăn của chúng ta, để từ đó noi gương Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ góp phần tham dự vào chính mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu như các tu sĩ, mục tử thân yêu của chúng ta. Nhiều khi tức mình nói ra một điều như thể là đỡ thoảng cái cơn giận của mình, nhưng mà tức mình mà không nói ra được, chỉ phó thác cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, điều đó mới tuyệt vời hơn, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa đi vào con đường đó. Tôi hết sức trân trọng anh chị em, tôi biết ơn anh chị em, và tôi mời gọi anh chị em phải làm sao cho phong trào đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày một rộng lớn hơn  nơi các giáo xứ, nơi các giáo phận thân yêu của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ góp phần không nhỏ cho việc an ủi Hội Thánh và làm cho Hội Thánh ngày càng phát triển nhiều hơn nữa. A Men.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét