Phaolô là một người Do Thái, chịu ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp, nhưng lại là công dân của Đế quốc La Mã, đến từ thành Tarsus (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Ban đầu ông là một người theo đạo Do Thái giáo, kiên trì săn đuổi những tín hữu Công Giáo (tin vào Chúa Giêsu) để bách hại họ - ngày nay ta gọi là "bắt đạo". Trên đường đến thành Đamát để "bắt đạo", Phaolô đã bị một luồng sáng chói lòa chiếu vào mắt khiến ông ngã ngựa và trở nên mù lòa. Từ luồng sáng ấy phát ra tiếng nói: "Sao ngươi bắt bớ ta?". Phalô hỏi lại: "Ngài là ai?". Tiếng nói ấy mới trả lời: "Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt đây!".
Sau cú ngã ngựa và hóa mù, Phaolô đã có dịp suy gẫm nhiều hơn về chính bản thân mình và về con người Giêsu mà trước đây ông không tin rằng đó chính là Con Thiên Chúa đã sống lại từ cõi chết. Phaolô khẳng định rằng ông nhận lãnh Phúc âm không phải từ con người, nhưng từ chính “sự mặc khải của Chúa Giêsu". Ông đã gia nhập Cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem, ở lại với tông đồ cả Phêrô một thời gian. Phaolô được biết đến qua các thư ông viết gởi cho các cộng đoàn tín hữu Công Giáo. Ông đã trình bày mạch lạc quan điểm của mình về mối quan hệ giữa những tín hữu Công Giáo người Do Thái với tín hữu Công Giáo không phải là dân Do Thái, và giữa Luật pháp Môsê với giáo huấn của Chúa Giêsu.
Các thư tín của Phaolô hình thành phần nền tảng của Kinh Thánh Tân Ước (được xem là nguồn quan trọng cho nền thần học của Hội Thánh ban đầu) cùng những nỗ lực của ông nhằm truyền bá Công Giáo đến các dân tộc, là mục tiêu của nhiều khuynh hướng luận giải khác nhau. Công Giáo truyền thống (hồi đó gọi là Cơ Đốc giáo) xem các thư tín của Phaolô là một phần của kinh điển Tân Ước và xác quyết rằng tư tưởng của ông là hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu và các tông đồ.
Thánh Phaolô được sùng mộ và tôn thờ bởi cả Giáo Hội Công Giáo Rôma, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo và đạo Mormon còn xem ông là một nhà tiên tri. Ông được xem là vị thánh bổn mạng của Malta và London. Một số nơi lấy tên ông đặt tên cho thành phố như São Paolo (Braxin), Saint Paul (Minesota, Mỹ). Ở Việt Nam, tên thánh Phaolô được đặt cho Bệnh Viện Xanh Pôn (Saint Paul) và Nha khoa Xanh Pôn, cả hai đều rất nổi tiếng. Có lẽ do thuở xưa Thánh Phaolô bị ngã ngựa (nên có thể ông bị rụng răng, gãy xương, trầy trụa...) và mù lòa nên nói đến Xanh Pôn là người Việt liền nghĩ ngay đến Bệnh viện và Nha khoa.
Cú "ngã ngựa" đáng nhớ ấy đã biến Phaolô từ một kẻ "đao phủ" thành một vị thánh. Ông cùng với vị tông đồ trưởng Phêrô làm thành hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo. Ngày 29/6 hàng năm là ngày lễ mà cả Giáo Hội dành ra để tưởng nhớ và mừng kính hai vị thánh cả ấy!
Lạy Chúa Giêsu, những người Kitô giáo ngày nay đều thờ phượng Thiên Chúa, tôn thờ thánh Phaolo. Nhưng lại chia rẽ, có khi còn chống đối lẫn nhau, chưa hiệp nhất với nhau nên một trong Chúa Giêsu Kitô. Trong giáo xứ, giáo họ, đoàn thể của chúng con nhiều khi chưa thực sự đoàn kết, yêu thương nhau, bằng mặt chứ chưa bằng lòng. Xin Chúa giúp cho chúng con bỏ tính đố kỵ, ghen ghét, chống đối lẫn nhau, được hiệp nhất nên một, để chúng con sống xứng đáng là con cái Chúa, thực hiện được những điều như lòng Chúa mong ước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét