Đức Cha Phêrô, Phụ tá Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ chí Minh, dâng lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh 2010 hạt Tân Sơn Nhì. Ngài đã giảng về văn hóa sự sông,đáng để chúng ta suy nghĩ.
Bài giảng
Của Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn văn Khảm,
trong lễ bế mạc Năm Thánh 2010 Hạt Tân Sơn Nhì.
Thưa anh chị em, Năm thánh là cơ hội cho chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và đồng thời khiêm tốn nhìn lại bản thân mình, cũng như đời sống của Hội Thánh, trên quê hương đất nước này, để xin lỗi Chúa, xin lỗi anh chị em của mình về những thiếu sót.
Nhưng Năm Thánh không chỉ ngưng ở đó, mà Năm Thánh còn là cơ hội để dấn bước tới tương lai. Chính vì vậy, chúng ta không chỉ có lễ khai mạc trọng thể ở Sở Kiện Hà Nội, không chỉ có lễ bế mạc trọng thể ở La Vang Huế để bế mạc Năm Thánh, mà chúng ta có Đại Hội Dân Chúa ở Sài Gòn. Cách đây có một tháng, Đại Hội Dân Chúa quy tụ 32 Giám mục, 300 đại biểu chính thức của các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong khắp 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Để làm cái gì? Để suy nghĩ với nhau về đời sống của Hội Thánh và để nói lên cái ước nguyện dấn bước tới tương lai: Canh tân, đổi mới khuôn mặt Hội Thánh như lòng Chúa mong ước. Cho nên bế mạc Năm Thánh, không có nghĩa là chấm dứt. Ban thư ký của Đại Hội Dân Chúa đang chuẩn bị để đúc kết tất cả những ý kiến đóng góp trong đại hội, thành những đề nghị, đệ trình lên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Rồi Hội Đồng Giám Mục, sẽ dựa trên những đề nghị đó, để có một văn bản hậu đại hội, hướng dẫn đời sống của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới.
Cho nên, nếu mà nói về hướng canh tân đổi mới trong tương lai, chắc là có nhiều điều lắm. Nhân tối hôm nay, được gặp gỡ anh chị em ở đây trong khung cảnh rất đông đúc, mà lại rất thánh thiện này. Tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh thôi. Một khía cạnh mà sứ điệp Đại Hội Dân Chúa đã nêu cao. Đó là mời gọi tất cả anh chị em công giáo chúng ta, nắm tay nhau để xây dựng nền văn hóa sự sống.
Thế nào là nền văn hóa sự sống, anh chị em nhớ lại câu chuyện Tin Mừng vừa mới nghe công bố, một câu chuyện Tin Mừng rất quen thuộc. Trong câu chuyện đó, chúng ta cảm nhận tính mong manh của sự sống con người nơi Hài Nhi Giêsu. Anh chị em thử hình dung coi, một bên là trẻ Giêsu bé bỏng, mới sinh, trong tay không một tắc sắt, tự mình chưa làm được gì, mọi sự đều nương nhờ vào cha mẹ, vào người khác. Và bên kia là Hêrôđê, vua một đất nước, binh hùng, tướng mạnh, mọi sự ở trong tay ông ta, mà ông ta đang tìm mọi cách để giết Hài Nhi Giêsu cho bằng được. Sự sống mong manh đến chừng nào. Và ngày hôm nay, sự sống con người vẫn cứ mong manh như thế. Tôi muốn nói trước hết đến sự sống của hàng triệu thai nhi bị đe dọa hằng ngày, hằng giờ. Mới cách đây hai hôm, có đại hội gia đình của TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN, tổ chức ở trong Trung tâm mục vụ với chương trình rất phong phú. Trong đó, có một vở kịch ngắn diễn tả về tình trạng phá thai, sự giằng co giữa các thành viên trong một gia đình công giáo về vấn đề phá thai. Sau đó, ban tổ chức cho xem video clip một số hình ảnh về tình trạng phá thai ở Việt Nam. Tôi bỗng nhớ đến, ở trong Đại Hội Dân Chúa vừa rồi: Đức cha giáo phận Bắc Ninh, Ngài kể cho tôi nghe, trong Giáo Phận Ngài cũng có một số đại biểu đi tham dự đại hội, trong đó một bạn trẻ giáo lý viên. Đại hội xong, Ngài hỏi bạn trẻ, đó là: Khi con dự đại hội thì cái điều gì làm con ấn tượng nhất? Dạ,Thưa Đức Cha, con ấn tượng nhất, là con thấy có một ông bác sĩ và cũng là đại biểu, ông ấy lên đọc bài tham luận. Trong đó, ông ấy cho biết: Việt Nam mình bây giờ là cường quốc về phá thai, và còn tính ra rằng, cứ 6 giây thì có một bào thai bị dứt ra khỏi lòng mẹ, con sợ quá!!! Anh chị em thấy Việt Nam mình giỏi chưa.
Đừng tưởng rằng chỉ có người ngoài Công giáo, người Công giáo phá thai không ít đâu.
Cách đây một năm, tôi đi giảng tĩnh tâm cho các linh mục của giáo phận Đà lạt, tôi nghe Đức cha Đà Lạt lúc bấy giờ, bây giờ là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài nói với các linh mục: khi người giáo dân đi xưng tội phá thai, thì các cha giải tội, nhưng mà đồng thời khuyên người ta viết một lá thư gởi cho các Giám Mục giáo phận, để giúp cho người ta ý thức hơn về cái tội vạ về phá thai đó, nó trầm trọng. Tôi trở lại Sài Gòn, khi hướng dẫn lớp Thánh Kinh 100 tuần ở Trung tâm mục vụ, tôi kể cho các học viên nghe. Chỉ ngay sau đó thôi, tôi đã nhận được rất nhiều thư của nhiều người mẹ, nhiều phụ nữ. Những lá thư không chỉ thú tội về việc phá thai, mà cùng với việc thú tội đó là nói lên bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu day dứt, bao nhiêu bất an trong tâm hồn. Cho nên, không chỉ là sự sống của thai nhi nó bị đe đọa, mà cả sự sống tinh thần của người mẹ bị tổn thương trầm trọng.
Và cũng không chỉ là sự sống của các thai nhi. Ngày hôm nay, trên đất Sài Gòn này, chúng ta phải nói đến sự sống của bao nhiêu trẻ thơ vừa mới chào đời, nhưng đã bị cha mẹ, có lẽ vì hoàn cảnh khó khăn, cho nên vất vào bờ, bụi nào đấy. Mà con số đó, càng ngày càng gia tăng. Dù nếu hiểu sự sống, không chỉ là sự sống thể lý này, mà còn là sự sống đạo đức, sự sống tinh thần. Thì thưa anh chị em, anh chị em có cảm thấy cái sự sống đạo đức và tinh thần đó nơi con cái mình bị đe dọa không.
Trong đại hội gia đình vừa rồi, có một người mẹ lên chia sẻ kinh nghiệm, kinh nghiêm đau đớn vì có một đứa con nghiện ma túy. May mắn mà có một cô bạn gái vẫn tiếp tục yêu thương, mà nhờ cô bạn gái đấy, mà anh bạn vượt qua được cơn ma túy. Có biết bao nhiêu gia đình ở Sài Gòn này, trong đó không ít gia đình công giáo, ngày hôm nay đang đau khổ về tình trạng đó. Cho nên, sự sống bị đe dọa ở đây, không chỉ là sự sống thể lý này, mà còn là sự sống đạo đức, sự sống tinh thần.
Sự sống ấy rất đỗi mong manh trong thời đại hôm nay. Bởi vì, người ta còn đang tìm cách hợp pháp hóa, bình thường hóa và tệ hơn nữa là nhân đạo hóa những chuyện hủy diệt đời sống. Hợp pháp hóa việc phá thai, coi rằng đó là việc hợp pháp, không có tội lỗi gì, xã hội nhìn nhận. Và như vậy, thì chỉ cổ võ việc phá thai thôi. Bình thường hóa việc phá thai, bởi vì khi con số phá thai trên đất nước này, mà hằng năm cả vài triệu, như vậy thì riết rồi người ta coi đó là chuyện bình thường. Mà đã bình thường, thì người khác làm, thì tôi cũng làm. Hơn thế nữa, người ta muốn khoác cho nó một bộ mặt nhân đạo: Vợ chồng đã có hai đứa con rồi, đẻ thêm một đứa nữa làm sao nuôi nổi. Cho nên, phá là tốt nhất. Giết chết thai nhi để cho những người còn sống được sống, nhân đạo quá.
Vậy cho nên, khi nhớ lại hình ảnh của Hài Nhi Giêsu, bị đe dọa khi đối diện với sức mạnh của Hêrôđê. Chúng ta phải nhìn vào tính mong manh của sự sống con người ngày hôm nay. Đặc biệt là của các thai nhi, của các hài nhi, nơi các bạn trẻ, sự sống trên mọi bình diện.
Chính ở chỗ đó, mà chúng ta được mời gọi để nắm tay nhau, xây dựng nền văn hóa sự sống. Có nghĩa là, một lối sống biết tôn trọng sự sống của tha nhân, từ khi đậu thai trong lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Anh chị em nhớ lại câu chuyện Tin Mừng Thánh Mát-Thêu kể: Khi sự sống của Hài Nhi Giêsu bị đe dọa như vậy, thì ai bảo vệ sự sống đó. Đức Mẹ, Thánh Giuse. Các Ngài không vì sợ hãi trước sự đe dọa của Hêrôđê, mà buông con mình để chạy trốn, tìm đường sống cho riêng mình. Không, các Ngài không hành xử như vậy, các Ngài cũng không có một tấc sắt trong tay, các Ngài không có quyền lực trong tay. Vậy thì các Ngài dựa vào đâu, các Ngài dựa vào Lời Chúa thôi. Đức Mẹ thưa lời xin vâng từng giây, từng phút ; Thánh Giuse được Thiên Thần báo mộng, vâng Lời Chúa ngay và làm theo Lời Chúa.
Có khi nhiếu anh chị em lấy làm tiếc rẻ, bảo Thánh Giuse thích thật, có gì khó khăn, có Thiên Thần hiện đến dậy dỗ. Giá mà mình cũng được như vậy, đang túng thiếu thế này, mà đêm ngủ Chúa cho thiên thần hiện đến, chỉ cho xem đánh số nào ngày mai thì đỡ quá. Thưa anh chị em, đừng nghĩ như thế, tội nghiệp cho Thánh Giuse. Đó là cách diễn tả của Thánh Kinh, diễn tả một tâm hồn đi sâu vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, để có thể lắng nghe được tiếng nói của Ngài, và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa. Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse của chúng ta xây dựng nền văn hóa sự sống như thế đấy. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và thi hành Lời Chúa. Bởi vì các Ngài xác tín rằng: Chỉ có Lời Chúa là tồn tại mãi. Còn những tư tưởng của con người, nay nó thế này, mai nó thế khác, nay thì người ta ca tụng, mai thì người ta lại hạ bệ. Chỉ có Lời Chúa là tồn tại mãi.
Cũng trong đại hội gia đình mới đây, có một cặp vợ chồng bác sĩ, dẫn một đứa con nhỏ lên làm chứng cho Chúa. Làm chứng về điều gì: Chị có thai, anh là bác sĩ, đi khám bệnh, người ta bảo là thôi phá đi, cái thai này nguy hiểm. Anh chị cũng hoang mang lắm, cuối cùng vợ chồng cầu nguyện và dứt khoát theo Lời Chúa, tôn trọng sự sống đến cùng. Bây giờ có đứa con. Đứa con mà người ta bảo là nguy hiểm đấy, bây giờ là một đứa trẻ rất đẹp đẽ. Cha mẹ cùng với đứa con trên sân khấu, hát lời cầu nguyện mà họ nói là ngày nào họ cũng hát: Chúa là mục tử chăn dắt tôi.
Khi tôi chứng kiến anh chị bác sĩ đó chia sẻ câu chuyện của đời họ. Tôi không khỏi, không nhớ lại một kinh nghiệm mà bản thân tôi có khi còn đi học ở nước ngoài. Có một cặp vợ chồng trẻ đến tâm sự với tôi, lấy nhau được một năm, bây giờ có thai, nhưng đi siêu âm, người ta bảo là quái thai, và người ta khuyên là phá thai. Về nhà nói chuyện với nhiều người trong gia đình, hầu như ai cũng ủng hộ phá thai như bác sĩ khuyên. Đôi vợ chồng đó đến hỏi tôi, tôi rất cảm thông nỗi âu lo, đau khổ của cặp vợ chồng trẻ. Nhưng thưa anh chị em, là linh mục, tôi vẫn nói với cặp vợ chồng đó rằng: sự sống là một quà tặng Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, các bạn hãy đón nhận sự sống đó như quà tặng Chúa ban và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Mấy năm sau, khi đã trở về nước, được có dịp quay lại Hoa Kỳ, tôi có đến thăm gia đình đó. Khi đến thăm gia đình đó, có một cháu gái nó chạy ra, con bé đẹp quá, xinh quá, dễ thương quá. Ba má nó bảo: Đấy con nhỏ mà hồi đó, chúng con nói chuyện với cha đó. Tôi thầm thĩ ở trong bụng: Chúa ơi, ngày đó ba má con không có can đảm để giữ lại, thì hôm nay làm gì thấy con đẹp đẽ như thế này ở đây, con làm gì có mặt trong cuộc đời này.
Thưa anh chị em, như Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta được mời gọi để xây dựng nền văn hóa sự sống, bằng cách lắng nghe Lời Chúa, và làm theo Lời chúa, tôn trọng sự sống của con người ngay từ giây phút đậu thai cho đến khi nhắm mắt lìa đời, cho dù xã hội này có băng hoại đạo đức đến đâu đi nữa. Tôi hình dung ra hơn 100.000 anh chị em giáo dân của giáo hạt Tân Sơn Nhì này, mà nắm tay nhau và cương quyết với nhau để sống cái tinh thần đó. Thì chắc chắn, nền văn hóa sự sống sẽ phát triển. Đó là cách thế chúng ta thể hiện tinh thần đổi mới trong Năm Thánh 2010.
Thưa anh chị em, đã dài lắm rồi, tôi xin phép ngừng lại ở đây, trước khi ngừng, tôi muốn nói lại cái điều tôi nói trong đại hội gia đình vừa qua. Nếu anh chị em hỏi: sau Đại Hội Dân Chúa thì tôi quan tâm đến điều gì nhất. Tôi thưa ngay, Tôi quan tâm tới hai điều: đó là hàng Linh mục và các gia đình. Trong Đại Hội Dân Chúa vừa rồi, có một điều làm các Giám Mục bất ngờ: Đó là các đại biểu nói rất nhiều về các linh mục. Cho nên trong sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa mới có một câu mà trong bản phác thảo lúc đầu không có, nhưng sau này có là vì các đại biểu góp ý rất nhiều, câu đó là: Hội Thánh Việt Nam muốn canh tân đổi mới thì phải bắt đầu từ hàng linh mục. Chúng tôi mong ước các linh mục Việt Nam, không chỉ là những người quản trị giỏi, nhưng trước hết là người của Chúa, người thuộc về Chúa, gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, để có thể trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Đồng thời, cùng với các linh mục là đời sống các gia đình công giáo.
Cho nên muốn nói canh tân đổi mới gì, thì phải bắt đầu phải từ hàng linh mục, đồng thời từ đời sống gia đình của anh chị em. Không có các linh mục tốt lành, không có những gia đình công giáo đạo đức, thì thưa anh chị em: kế hoạch với chương trình mục vụ có hay đến đâu đi nữa, có lẽ cũng chỉ là vô ích thôi. Thế cho nên, ở đây có anh em linh mục trong giáo hạt Tân Sơn Nhì, có anh chị em sống đời sống gia đình công giáo, cho phép tôi nói lên cái tâm tình đó.
Và chúng ta ý thức rằng, cái công việc canh tân đổi mới không chỉ là việc của con người, mà trước hết là việc của Chúa Thánh Thần. Cho nên, chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để mình được soi sáng, mình nhận ra con đường mình phải đi. Và không những thế, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để mình được ơn can đảm, để điều dịp tốt mà mình thấy phải làm thì mình có can đảm để thực hiện. Bởi lẽ, kinh nghiệm thực tế dạy chúng ta, có nhiều điều tốt mình biết phải làm mà vẫn cứ không làm, và nhiều điều xấu biết rõ phải tránh mà vẫn cứ vui mà làm. Cho nên phải xin ơn Chúa Thánh Thần, không những để được soi sáng, mà còn có can đảm để thực thi điều Chúa soi sáng cho chúng ta.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả cộng đoàn chúng ta, vì lòng đạo đức và những nỗ lực mà anh chị em cùng với các linh mục, tu sĩ có mặt ở đây góp phần để xây dựng Hội Thánh Chúa và xin Chúa giúp chúng ta, để mỗi người thực sự trở thành những tác viên tích cực, góp phần xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương. Amen.