Vào hồi 9 giờ ngày 19 - 6 - 1988 tại Rô Ma, tức 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trịnh trọng tuyên bố: "Để tôn Vinh Thiên Chúa Ba ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo, và để đời sống Kitô hữu được tăng trưởng, với uy quyền của Đức Giêsu Kitô, của hai thánh tông đồ Phêrô, Phaolô, và của riêng tôi. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa và tham khảo ý kiến của nhiều anh em trong hàng giám mục, tôi quyết định tuyên bố: Chân phước Anrê Dũng Lạc (linh mục), Tôma Thiện, (chủng sinh), Am-ma-nu-en Phụng (giáo dân), Giêrônimô Hec-mô-sil-La, Va-len-ti-nô Be-ri-ô Ô-ca,Thê-ô-phan Vê-na và 111 bạn tử đạo tại Việt nam vào sổ các Thánh, và được toàn thể Giáo hội sùng kính với danh hiệu hiển thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
(Chia sẻ Tin Mừng, LM.Giacôbê Phạm văn Phượng OP)
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa bảo rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Đây là một nghịch lý đấy, nghịch lý giữa ‘mất và được’, giữa ‘được và mất’. Tôi xin chia sẻ với cộng đoàn về ý tưởng này của Chúa Giêsu:.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng: cái mất là cái xấu, cái được là cái tốt. Cái mất thì nó đem lại cái hại, cái được thì nó đem lại cái lợi. Cho nên ai cũng muốn cái được, chứ chẳng có ai muốn cái mất cả, bình thường là như thế. Nhưng mà thưa anh chị em, chúng ta suy nghĩ về cuộc đời bản thân của mình đi, chúng ta sẽ thấy: không phải là luôn luôn như vậy đâu, có khi, chúng ta mất việc này, thì chúng ta được cái khác ; có khi chúng ta được cái này, mà lại mất cái kia. Trong bài giảng của cha giám đốc đại chủng viện Thánh Quý ở Long Xuyên, cha có kể một câu chuyện, để minh họa cho cái ‘được và mất’, ‘mất và được’. Cha kể rằng: có một ông nông dân kia, nhà ở gần biên giới. Ông ta có một con ngựa, và ông ta rất quí nó. Một ngày kia, con ngựa biến mất, hàng xóm láng giềng đến chia buồn với ông ây. Ông trả lời sao biết không? Tôi không buồn đâu, vì biết đâu trong cái mất ấy, thì tôi lại được cái gì chăng. Quả nhiên như thế, một thời gian sau, con ngựa ấy trở về, mà còn dắt theo một con ngựa nữa. Hàng xóm thấy vậy lại đến chia vui với ông: xin chia vui với ông, vì con ngựa đã trở về với ông. Ông ta lại lắc đầu và bảo: tôi không dám vui; bởi vì biết đâu trong cái vui, nó có cái rủi thì sao. Và quả thế, đứa con trai của ông cưỡi ngựa đi chơi, chú ta té ngựa và bị gẫy chân. Người ta lại đến chia buồn, vì con trai của ông bị gẫy chân. Thì ông ta lại nói: tôi không buồn đâu, biết đâu trong cái buồn này, lại có cái gì vui hơn, lại có cái gì may mắn hơn. Và quả thế, thời gian đó là thời kỳ chiến tranh, tất cả các thanh niên đều bị gọi nhập ngũ, ra chiến trận. May quá, đứa con trai của ông, khi đó bị gẫy chân, không phải ra chiến trận. Thế thì thưa anh chị em, câu chuyện này phần nào nó minh họa cho cái nghịch lý ‘được và mất’.
Chúng ta hãy nhìn vào gương Các Thánh Tử Đạo của chúng ta, các Ngài đã có kinh nghiệm sống nghịch lý ấy. Nhất là kinh nghiệm sống lời Chúa. Chúa bảo rằng: Ai dám mất mạng sống mình, thì sẽ giữ được mạng sống mình ; còn ai mà cứ bám víu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất luôn. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy rõ ràng: Các Ngài đã sống cái nghịch lý một cách hoàn hảo, bằng cách chấp nhận hy sinh mạng sống của mình, để rồi Chúa sẽ trao lại, ban cho các Ngài một sự sống dồi dào, phong phú. Các Ngài đã sống cái thân phận là hạt lúa, mà hạt lúa phải chịu mục nát đi, phải chịu gieo dưới lòng đất, lòng đất Việt Nam trong một hoàn cảnh rất là khó khăn, để rồi hạt giống đức tin ấy, nó nẩy sinh nên cây Hội Thánh Việt Nam, mà tất cả chúng ta đây là hoa trái của các cây đó. Rõ ràng chưa, mất là được, mà cái được là cái gì đó rất là phong phú, mà nó trường tồn, còn mãi trong chúng ta. Cho nên, làm sao chúng ta phải dám mất, dám mất những cái mà Chúa đòi hỏi, Tin Mừng đòi hỏi, để chúng ta có được cái gì đó đem lại sự vui, đem lại sự bình an, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Kính thưa quý vị viên chức tân cựu Hội Đồng Mục Vụ, chúng tôi nhìn nhận quý vị, nhất là trải qua hai nhiệm kỳ, bao nhiêu vất vả, bao nhiêu thời giờ, các vị đã bỏ ra, tưởng là mất thời giờ, tưởng là mất công sức. Nhưng không, những gì quí vị đã hy sinh cho Giáo Xứ nó còn mãi. Suốt gần 9 năm trời, quí vị đã vất vả về cái công trình xây dựng nhà thờ này đây, mỗi tối đến đi xin tiết kiệm từng gia đình, từ khu xóm này đến khu xóm khác. Những người khác nghĩ rằng: quí vị mất thời giờ; nhưng tôi nghĩ: chắc là quí vị không nghĩ như vậy đâu, cái còn cho quí vị là công trình xây dựng: nhà giáo lý, nhà mục vụ, nhà thờ đây, nó còn mãi. Nhưng thưa anh chị em, không phải cái còn lại cho chúng ta là cái vật chất này, nhưng cái còn cho chúng ta, cái cao quí hơn, đó là cái niềm vui: niềm vui phục vụ, niềm vui đóng góp, niềm vui xây dựng. Cho nên, dù là quí vị còn tiếp tục phục vụ trong Hội Thánh, trong Giáo Xứ, hay là quí vị vì một lý do đặc biệt nào đó, không còn tiếp tục được nữa, thì tôi nghĩ rằng: cái niềm vui nó phải có, cái kết quả mình hy sinh cho Hội Thánh, cho Giáo Xứ nó còn mãi đấy. Không phải là những tấm bằng tưởng lệ đây, nó chỉ là cái bên ngoài thôi, cái còn lại cho quí vị, cho chúng ta đó là tình yêu, tình yêu đối với Chúa, tình yêu với Hội Thánh, tình yêu với anh chị em, như Thánh Phaolô nói: Tình yêu Chúa thúc bách tôi, những gì mà chúng ta cống hiến, những gì mà chúng ta thực hiện, những gì mà chúng ta phục vụ do tình yêu của Chúa, do tình yêu của Hội Thánh, tình yêu Giáo Xứ thúc đẩy chúng ta, thì nó giá trị, và giá trị đó sẽ còn bền vững mãi.
Thưa anh chị em, không phải chỉ có quí vị viên chức trong Hội Đồng Mục Vụ, mới phải là những người dám sống với nghịch lý ‘được và mất’, mà mỗi người trong chúng ta, tôi cũng như anh chị em, hằng ngày, chúng ta phải dám hy sinh những gì mà nó trái nghịch với Đức tin, trái nghịch với Tin Mừng, trái nghịch với với lý tưởng của người Kitô hữu. Khi chúng ta từ bỏ, khước từ những cái đó, thí dụ: những niềm vui bất chính chẳng hạn, có khi nó đem lại cho chúng ta sự day dứt, sự nuối tiếc. Nhưng sau đó, chúng ta thấy gì? chúng ta thấy, trong tâm của chúng ta có niềm vui, niềm vui thánh thiện. Còn trái lại, thưa anh chị em, nếu chúng ta không chịu mất đi, không chịu hy sinh, không chịu từ bỏ mà chỉ sống buông thả theo tính xác thịt của chúng ta, thì chúng ta được gì? nếu đó chỉ là giây phút nào đó, nó làm cho mình rung động, làm cho mình khoái trá, làm cho mình sung sướng. Nhưng mà, mỗi người trong chúng ta đều có cái lương tâm, sau đó chúng ta sẽ bị cái lương tâm cắn dứt. Còn trái lại, thưa anh chị em, chúng ta cần hy sinh, cần mất đi, thì chúng ta được cái niềm vui, niềm vui thánh thiện, được ơn của Chúa.
Cho nên, xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, phù hộ cho tất cả chúng con, để làm sao chúng con nối tiếp noi gương các Ngài, sống Lời Chúa hôm nay. Chúa bảo: Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
(Bài giảng của Linh mục Đa Minh Phạm minh Thủy, chánh xứ Tân Thành, trong lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 14-11-2010.)
Lạy Cha, thật là vinh hạnh cho dân tộc Việt Nam Chúng con, Cha đã yêu thương nên Cha đã ban cho Giáo Hội Việt Nam chúng con những gương mẫu anh dũng là các thánh tử đạo. Các vị đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ đức tin. Xin cho mỗi người Kitô hữu chúng con, đặc biệt những người công giáo Việt Nam cũng biết can trường chiến đấu với những khó khăn từng ngày trong cuộc sống, để chúng con xứng đáng là những người con, người em của các Thánh và làm chứng nhân cho Nước trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét