Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa


Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Ngôi Lời là Thiên Chúa

Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
"Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi."


Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Thi hành ý muốn của Thiên Chúa


Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian.
Kẻ nào yêu thế gian
thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha,

vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt,
dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của,
tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha,
nhưng phát xuất từ thế gian;
mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó.
Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.
   (1Ga 2,15-17)

Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
    (Lc 2,38-39)
 
Giáo xứ Tân Thành: Lễ bổn mạng Giáo Họ Thánh Gia
Vào lúc 17 giờ 30 ngày 30/12/2011, tại Thánh Đường Thánh Vinh Sơn giáo xứ Tân Thành, linh mục Đa Minh Phạm Minh Thủy – chánh xứ Tân Thành chủ sự và linh mục Giuse Trần Minh Trí – cha Xứ Trực Chính thuộc Giáo phận Bùi Chu cùng cử hành thánh lễ mừng kính Thánh gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, bổn mạng Giáo họ Thánh Gia. 

Bài giảng ngày lễ Thánh Gia 2011 của Linh mục Giuse Trần Minh Trí
Xuyên suốt cả 3 bài đọc thánh lễ hôm nay, đã nói rõ cho chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm, lối sống, cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Dù với vai trò của người cha, người mẹ, hay con cái, đều được nhắc nhở sống sao cho gọi là trên thuận dưới hòa, biết nhẫn nhịn với nhau, noi gương gia đình Thánh gia Thất.
Thánh gia Thất là mẫu gương giáo dục cho mỗi gia đình, là trường huấn luyện Chúa Giêsu chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha trao phó. Thánh gia Thất còn là chuẩn mực chính xác nhất cho người cha, người mẹ, và con cái trong gia đình.
Thánh Giuse đích thực là một người cha sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông, tận tình chăm lo cho con trẻ Giêsu cùng Mẹ Maria. Người làm chủ Gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, siêng năng, cần cù lao động trong làng quê nghèo Na-za-rét.
Mẹ Maria chính là người mẹ gương mẫu trong đời sống nội tâm và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, chăm sóc dậy dỗ con trẻ Giêsu.
Chúa Giêsu là người con vô cùng thảo hiếu, hằng vâng phục cha mẹ là Giuse và Maria, rồi mỗi ngày lớn lên trong sự khôn ngoan nhân đức.
Gia đình là nền tảng của xã Hội, chính vì thế gia đình có thuận hòa thì xã hội mới an vui. Lấy Thánh Gia Thất là nền của mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, chăm lo cho nhau trong tình yêu thương đầm ấm.
Muốn có hạnh phúc trong mái ấm gia đình thì trước tiên phải có Chúa hiện diện. Chúng ta thấy mái ấm Na-ze-rét luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa. Nếu gia đình chúng ta mời được Chúa đến ở giữa trong gia đình, thì chính Người sẽ là sợi dây liên kết để chúng ta yêu thương nhau. Đó còn là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là gương mẫu để chúng ta nhẫn nhịn nhau, tha thứ cho nhau
Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta nói chung, cách riêng giáo khu mừng kính Thánh Gia hôm nay, mọi gia đình biết kính trọng yêu thương nhau, không phán xét nhau trong khi còn hồ nghi, không kết án nhau khi chưa tỏ tường sự việc, không ruồng rẫy nhau khi còn cứu vãn được.
Trong gia đình, chúng ta là những con người còn mỏng giòn, yếu đuối, nên không thể tránh được những lầm lỡ, thiếu sót, những va chạm trong gia đình, chúng ta đừng vội hất hủi nhau, đừng vội lìa bỏ nhau khi còn có thể cứu vãn được. Chúng ta hãy nhẫn nhịn và biết tha thứ, thông cảm, tìm hiểu, nâng đỡ, khuyến khích nhau.
Những thành viên trong gia đình chúng ta luôn tìm và sống theo Thánh Ý Chúa.


Ánh sáng soi đường

Căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa:
là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.

Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.

Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Căn cứ vào đó,
chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.

Ai nói rằng mình ở lại trong Người,
thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi.

Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,
và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.

Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối
và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,
vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.

  (1Ga 2,3-5,10-11)

Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:  Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
       (Lc 2,31-35)



































Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Các Thánh Anh Hài, tử đạo

 Các Thánh Anh Hài, tử đạo
       (Trích thư 1 Gioan 1,5-10. 2,1-2)
Đây là lời loan báo của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng tôi đã nghe,
và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng;
nơi Người, không có một chút bóng tối nào.
Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người
mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối
và không hành động theo sự thật.

Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng
cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng,
thì chúng ta được hiệp thông với nhau,
và máu Đức Giê-su, Con của Người,
thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội,
chúng ta tự lừa dối mình,
và sự thật không ở trong chúng ta.

Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,
Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính
sẽ tha tội cho chúng ta,
và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.

Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối,
và lời của Người không ở trong chúng ta.


Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này,
để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội,
thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:
đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.

Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.


(Mt 2,13-18)

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! " Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Đức khiêm nhường

Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
            (Ga 20,2-8)
Ông Gioan , trẻ, khỏe, chạy nhanh đến trước, nhưng lại chờ ông Phêrô đã lớn tuổi nên chạy đến sau, và nhường cho ông Phêrô vào trước rồi mình mới vào sau.
Hôm nay mừng kính Thánh GioanTông đồ, tôi cần phải học gương khiêm nhường của Ngài.
Xin Thánh Gioan Tông đồ cầu nguyện cùng Chúa cho con biết khiêm nhu, tự hạ, không tự cao tự đại, biết học hỏi nơi người khác, nhờ đó mà phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, đem Tin mừng bình an của Chúa đến cho người khác.

Thánh Stêphanô tử đạo

"Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

"Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
                          (Mt 10,17-22)
Thánh Stêphanô là vì tử đạo đầu tiên, là một trong danh sách 7 phó tế thời đó. Bấy giờ, các Tông  đồ thấy rằng: mình phải lo công việc giảng dậy Lới Chúa. Cho nên, không còn thời giờ để chăm lo cho các bệnh nhân, cho những  người nghèo khó. Vì thế, các tông đồ đã chọn 7 phó tế làm công việc bác ái cho những người đau khổ, bệnh tật và những người nghèo khó. Thánh Stêphanô đã được tuyển chọn và được ghi danh vào 7 vị phó tế thời đó. Rồi Người đã tham gia vào công tác loan báo Tin Mừng và đã chết ở Giê-ru-sa-lem, mà cái chết của Người là cái chết tử đạo.
Kính thưa anh chị em, phụng vụ  mừng ngày lễ Thánh Stêphanô tử đạo, ngày 26/12 hằng năm. Trong đó thì: hôm trước, ngày 25/12, chúng ta mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu. Cho nên, giữa hai ngày lễ có một tương quan đến nhau. Hôm trước, chúng ta mừng vị vua vĩnh cửu, được sinh ra cho trần gian ; còn hôm sau, Giáo Hội lại mừng một chiến sĩ của Người, vinh thắng khải hoàn, đã rời bỏ trần gian mà về quê trời. Hôm trước, Vua Trời rời bỏ trời xuống trần gian, còn hôm sau thì một chiến sĩ là Thánh Stêphanô, rời bỏ trần gian, mà về quê trời qua cuộc thương khó.
Hôm trước, thì Vua Trời, là Đức Giêsu Kitô, mặc lấy xác phàm ra khỏi cung lòng Trinh Nữ Maria, đã đoái thương viếng thăm  trần gian, khi Người sinh xuống trần gian ; còn hôm sau, thì một chiến sĩ đã ra khỏi thân xác để được lên trời, vinh hiển. Hôm trước, thì vua trời nhập thể làm người trong lòng trinh nữ, để  rồi từ đó, đến viếng thăm nhân loại ; còn hôm sau, thì một chiến sĩ là Thánh Stêphanô,  đã ra khỏi thân xác để về quê trời.
Vua chúng ta là đấng cao cả, vì chúng ta, Người đã đến một cách khiêm tốn. Nhưng mà, Người  không đến với bàn tay  không đâu, với bàn tay  trắng đâu. Người đến để đem muôn vàn ân sủng đến cho  chúng ta, cách riêng ơn bình an, ơn mến yêu.
Thưa anh chị em, mặc dù Người đến trong cảnh nghèo khó, nhưng mà Người lại làm cho  chúng ta trở lên giầu có, như Thánh Phaolô đã diễn đạt như vậy: ”Chúa trở nên nghèo khó để cho  chúng ta trở nên giầu có trước mặt Chúa”. Thế thì điều đó, thưa anh chị em, đã chứng tỏ ở nơi người Thánh Stêphanô.
Khi mà, Chúa Giêsu Kitô từ trời xuống, Người đem đến cho nhân loại muôn hồng ân, mà cái hồng ân cao cả nhất là đức bác ái, lòng yêu mến, tình yêu thương, và hồng ân này giúp cho con người  chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Thánh Stêphanô đã lãnh nhận được hồng ân bác ái, tình yêu.
Vậy thì, điều gì mà Con Chúa đã đem đến thì đều phân phát cho chúng ta,  không vì thế mà Người nghèo đi đâu, mà trái lại, Người vừa làm cho tình trạng nghèo khó của các tín hữu trở nên giầu có một cách lạ lùng, trong khi Người vẫn giữ cho cái kho tàng tình yêu ấy vẫn được đầy tràn yêu thương.
Vì thế, Thưa anh chị em, đức ái, lòng yêu thương, tình mến đã đưa Chúa Giêsu Ngôi hai Thiên Chúa từ trời xuống đất. Thì cũng chính đức bác ái đấy, tình yêu thương đấy, đã nâng Thánh Stêphanô từ dưới đất lên trời. Đức ái đã có trước ở nơi Đức vua cao cả, thì cũng chính đức bác ái ấy tiếp tục được rạng ngời ở nơi người chiến sĩ  Thánh Stêphanô. Vậy, để xứng đáng đón nhận triều thiên như là ý nghĩa tên của người là Stêphanô. Cho nên, Thánh Stêphanô lấy đức bác ái làm khí giới, để ở đâu, Ngài cũng chiến thắng nhờ chính cái khí giới ấy là đức bác ái, tình  yêu thương. Vì yêu mến Thiên Chúa, cho nên Thánh nhân đã  không lùi bước trước những người Do thái bách hại Người. Vì yêu thương tha nhân, cho nên Người đã cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cho những người đã ném đá Người. Và vì yêu mến, Người đã tranh luận, Người đã hết mình tranh luận với những người lầm lạc, để yêu thương và muốn đưa người ta ra khỏi cái lầm lạc ấy. Mặc dầu Ngài biết, Người tranh luận như thế là có nguy cơ đến tính mạng, và Ngài muốn đưa những người lầm lạc ra khỏi những lầm lạc ấy. Và vì yêu mến, Người đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá, để cho họ khỏi bị Thiên Chúa trừng phạt. “Lạy Cha xin tha cho họ”, tin tưởng vào sức mạnh của đức bác ái, Người đã thắng nổi ông Sao-lo. Sao-lo là tên gốc của Thánh Phaolo, lúc đó Thánh Phaolô là một thanh niên, thuộc nhóm biệt phái. Khi mà, Người ta đưa Thánh Stêphanô ra ném đá, thì Phao-lô là một thanh niên, lúc đó giữ áo quần cho những người ném đá. Do đó, Phaolô đã cộng tác ở đó trong sự ném đá  Thánh Stêphanô. Thế thì ở dưới đât, Thánh Stêphanô bị ông Phaolô bách hại, thi ngay trên trời, Người lại có ông Phaolô là bạn chung phần hạnh phúc. Những Con người, mà trước kia, Thánh Stêphanô đã dùng lời lẽ răn đe để cảm hóa  không được, nay Người đã chinh phục được, nhờ lời cầu nguyện và nhờ lòng bác ái yêu thương, thì đã cảm hóa được, trong đó có Phaolô.
Và giờ đây, Thánh Phaolô đang cùng Thánh Stêphanô vui mừng, vì Thánh Stêphanô được vinh quang sáng láng của Chúa Kitô, cùng với Thánh Stêphanô hoan hỉ, cùng với Thánh Stêphanô cai trị, nơi Thánh Stêphanô đã đi bước trước vì đã bị Sao-lô ném đá chết. Thì nay, Thánh Phaolô đã được đến nơi đó, để gặp gỡ nhau. Thưa anh chị em, cái gì vậy, cái gì đã giúp cho một vị thánh và một con người tội lỗi đã gặp gỡ nhau trên nước trời, liệu  không phải là đức bác ái. Đức bác ái, mà Thánh Phaolô sau này diễn đạt lại, thúc đẩy người ta, Thánh Stêphanô đã tha thứ cho Saolô, đã cầu nguyện và nhờ lời cầu nguyện ấy, rồi về sau này, Thánh Phaolô đã được ơn Chúa ban, đã được ơn trở lại, và Người rao giảng đức bác ái. Người bảo: Đức bác ái, vì lòng yêu mến Chúa Kitô thúc bách tôi.
Vậy thì thưa anh chị em, hôm nay  chúng ta mừng lễ kính Thánh Stêphanô,  là một chiến sĩ của Chúa Kitô, Người đã thắng nhờ đức bác ái. Chúa Kitô, Người đã tạo nên một cái thang, cái thang đức bác ái, bắt từ dưới đất lên tới trời. Để rồi, ai mà qua cái thang bác ái ấy, thì sẽ được lên nước trời đấy.Thánh Stêphanô, Người đã lên trời qua cái thang đức bác ái, thì xin Người phù hộ cho chúng con. Tất cả chúng con đây, là những người tín hữu Chúa Kitô, là những người theo Chúa Kitô. Cùng với Thánh Stêphanô và Thánh Phaolô, xin cho chúng con biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương, bác ái, nhất là bác ái đối với những người ghen ghét chúng con,  đối với những người được gọi là kẻ thù của chúng con. “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm.”, Đấy là lời cầu nguyện của Chúa Kitô trên Thập giá. Và lời cầu nguyện ấy, Thánh Stêphanô,  Người đã lặp lại khi bị ném đá. Thế thì, ước gì mỗi người trong  chúng ta, biết cầu nguyện cho những kẻ ghen ghét mình. Lạy Cha, Xin Cha tha cho họ, những người ghét con, những người bách hại, những người nói xấu con, những người muốn làm hại con, bởi vì có lẽ họ lầm. 

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Ngôi Lời là Thiên Chúa

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành

ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Suy đi nghĩ lại trong lòng

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Ông Gio-an Tẩy Giả ra đời

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Bài ca "Ngợi Khen" (Magnificat)

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."

Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Đức Ma-ri-a viếng thăm bà Ê-li-sa-bét

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
(Lc 1,39-45)

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Bà Ê-li-sa-bét mang thai Gioan Tẩy Giả

Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.
Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án.Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa." Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." Sứ thần đáp: "Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi." Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.
Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."
(Lc 1,5-25)

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Truyền tin cho ông Giu-se

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.   (Mt 1,18-25)

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
            (Lc 1, 26-38)

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Gia phả Đức Giê-su Ki-tô

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời;
từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời;
và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
                                (Mt 1,1+17)

Gio-an là ngọn đèn cháy sáng


Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.
(Ga 5,33-36)

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông

Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!

 "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi

Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: "Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? " Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."  (Lc 7,20-23)

Những người thu thuế và gái điếm vào nước thiên đàng trước các ông


Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."  (Mt 21,28-32)

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Câu hỏi về quyền


Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? " Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? " Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy? " Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ." Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
   (Mt 21,23-27)

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Ông đến để làm chứng

Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? " Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? " Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? " Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lời xin vâng của Đức Mẹ  được lập đi lập lại trong đời sống đức tin của chúng ta, không chỉ hôm nay mà mỗi ngày trong cả cuộc đời.
Đức Giáo Hoàng Pio IX đã chính thức công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Năm 1858, khi Đức Mẹ hiện ra với chị ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã xưng mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”
Tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người Công giáo chúng ta rất yêu mến. Bằng chứng trong Giáo phận Sài Gòn có biết bao nhiêu là nhà thờ chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng. Bản thân tôi thì thấy thế này: Khi tôi còn coi sóc một giáo xứ ở ngoại ô Sài Gòn, nhà thờ đó nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng; khi Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình sai tôi về làm việc tại nhà thờ chính tòa Sài Gòn, thì nhà thờ này cũng nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng; khi Đức Hồng Y Gioan Baotixita sai tôi đi sang Mỹ để học thêm, thì ngay trong khuôn viên của đại học Công giáo Hoa Kỳ là một ngôi nhà thờ rất lớn được gọi là Đền Thánh Quốc Gia, và Đền thánh ấy cũng nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Thánh bổn mạng.
Kể như vậy để anh chị em thấy người Công giáo khắp nơi, người ta yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trước khi tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố, người Công giáo đã tin Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Khi đọc Kinh Thánh, người ta đã khám phá ở trong Cựu ước những hình ảnh nói về Đức Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, một trong những hình ảnh đó là hình ảnh Bụi gai bốc cháy khi Chúa hiện đến với Mô-sê. Bụi gai bốc lửa cháy bừng bừng, nhưng bụi gai không bị thiêu rụi vì Thiên Chúa hiện diện ở đấy để tỏ mình cho Mô-se.
Tương tự như vậy, đã là con người sinh ra trên đời này, cũng chịu ảnh hưởng của tội tổ tông truyền, nguyên tội. Chỉ có một mình Đức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, bởi vì sứ thần nói với Đức Mẹ: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Cũng như Bụi gai bốc cháy, nhưng không bị thiêu rụi vì Thiên Chúa hiện diện, thì Đức Maria cũng là người như chúng ta, nhưng Vô Nhiễm Nguyên Tội vì Đấng Chí Thánh đang hiện diện trong Cung lòng.. Cho nên, hình ảnh Bụi gai bốc cháy mặt nào đó đã là lời tiên báo về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ Maria.
Đức cha nói tiếp: Đấng hiện diện ở Bụi gai bốc lửa đấy với ông Mô-sê, là Người nói với ông Mô-sê thế này: Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên đất Ai Cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, trái tim ta bồi hồi, thổn thức. Nay Ta xuống để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập. Cho nên đấng hiện ra với Mô-sê là Đấng Thiên Chúa giải thoát, Giải thoát con người khỏi cảnh khổ đau áp bức bóc lột. Thế còn Đấng Thiên Chúa hiện diện trong Cung lòng Đức Mẹ là  ai? Sứ Thần nói với Thánh Giuse: Này Giuse, đừng ngại mà nhận bà Maria về làm vợ, vì người con bà đang mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con và ông phải đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu, sẽ giải thoát dân khỏi tội lỗi.
Cho nên,  Thiên Chúa hiện ra với ông Mô-se và Thiên Chúa hiện diện trong Cung lòng Đức Maria  đều là Thiên Chúa giải thoát. Nếu có sự khác biệt, thì nó ở chỗ: khi hiện ra với ông Mô-se, Thiên Chúa  nói “giải thoát khỏi tay người Ai Cập” có nghĩa: giải thoát khỏi tình trạng nô lệ chính trị và bóc lột kinh tế, nó không phải là giải pháp cuối cùng. Đức Giêsu Kitô đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Tội lỗi là cội nguồn của mọi thứ bất công, áp bức, bóc lột, mọi thứ đau khổ trong cuộc đời này. Và để thực hiện, Đức Giêsu đã không đi con đường của Môsê, hiểu như là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự tài ba, nhưng Chúa Giêsu đã đi con đường của người tôi tớ, yêu thương, vâng phục Thiên Chúa cho đến chết và chết trên Thánh giá.
Người Công giáo chúng ta bước vào nhà thờ bao giờ cũng nhìn lên Thánh Giá Chúa, người Công giáo chúng mỗi ngày làm dấu Thánh Giá không biết bao nhiêu lần trên chính thân xác mình. Bởi vì đó là nhắc nhớ thường xuyên ơn giải thoát sâu xa nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho ta và để đi con đường giải thoát của tình yêu phục vụ mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta. Cho nên, khi Đức Mẹ “Xin vâng”, có nghĩa: Đức Mẹ đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường giải thoát ấy.
Thế thì ngày hôm nay, thưa anh chị em, chúng ta cũng được mời gọi để thưa xin vâng như Đức Mẹ. Nếu Chúa nuốn giải thoát anh chị em và tôi, mà chúng ta không vâng, thì Chúa cũng thua thôi, vì Chúa tôn trọng tự do của mình. Lời xin vâng của Đức Mẹ  được lập đi lập lại trong đời sống đức tin của chúng ta, không chỉ hôm nay mà mỗi ngày trong cả cuộc đời.
Xin vâng như vậy trong Kinh Thánh có nghĩa là tuyên xưng đức tin.
     (Trích bài giảng Đức cha Phêrô trong ngày mừng Bổn mạng Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn 8/12/2011)